TÔI ĐÃ THÔI ĐỂ TÂM ĐẾN LỜI NÓI CỦA NGƯỜI KHÁC

 

Một Việc Làm Vô Nghĩa

Có một việc tôi đã làm kiên trì trong suốt một thời gian dài: đó là tập gym.

Dù tôi chẳng thích thú gì nó.

Ngày nào tôi cũng cố gắng đều đặn đến phòng tập, mặc lên người những bộ đồ tập không mấy dễ chịu, ngại ngần hỏi sự hướng dẫn của PT, tập những động tác chán ngắt rồi về nhà trong trạng thái nóng nực uể oải.

Tôi tập gym vì sợ hãi.

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn bị mọi người chê bai là gầy, xanh xao, thiếu sức sống... Có người bảo con gái phải có da có thịt tí thì con trai mới thích. Có người bảo bố mẹ nuôi tôi kiểu gì mà để tôi gầy thế. Chính mẹ tôi cũng bảo tôi gầy, thật xấu.

Tôi sợ bị chê bai, và cũng sợ bố mẹ tôi bị mọi người nói.

Thế là khi đã đi làm, có thời gian và tiền bạc dư dả hơn, tôi chọn cách nghiêm túc đầu tư đi tập gym. Tôi làm tất cả như những gì mọi người chỉ bảo. Ngày ăn 6 bữa, tuần tập ít nhất 4 buổi, nghiên cứu kĩ càng về cách tăng cân lành mạnh. Liên tục như vậy trong vòng một năm thì tôi tăng được đúng 1 kg, nhìn bằng mắt thường thì thấy không hề có gì khác biệt. Đổi lại, tôi nhận được những căng thẳng, mệt mỏi, stress khi tập gym chỉ vì thoả mãn lời nói của người khác.

Lắng nghe đám đông là SỐNG TRÁCH NGHIỆM hay là ÍCH KỈ?

Bạn và tôi, chúng ta, loài người... không ai là không từng bị ảnh hưởng bởi tiếng nói bên ngoài. “Mày mặc bộ này không hợp đâu", “Học ngành ấy làm gì có tương lai", “Gái đến tuổi rồi lấy chồng đi chứ"... Có vô vàn lời nói từ bên ngoài khiến ta sống trong sự đưa đẩy và đi đến rất nhiều lựa chọn trong vô thức. Điển hình như việc lập gia đình sinh con. Từng có bạn khách hàng cần mình hỗ trợ khai vấn vì hoang mang trước quyết định hôn nhân. Các bạn biết rồi đấy, trong tình yêu mà còn phải cân nhắc đúng sai, nên hay không nên thì chắc chắn có vấn đề. Quả nhiên, bạn ấy giãi bày: “Em không yêu cô ấy nhưng em đến tuổi lập gia đình rồi, còn cô ấy thì hội tụ đủ tiêu chuẩn một người vợ mà em cần.”

Ngoài kia còn vô vàn cô gái khác, còn những người phù hợp hơn với bạn, rồi sẽ có người khiến bạn muốn đồng hành cả đời mà không phải đắn đo. Việc cố gắng đi đến hôn nhân chỉ vì xã hội cho rằng đây là độ tuổi nên lập gia đình thì có nghĩa lý gì đây?

Tương tự, rất nhiều cặp vợ chồng sinh con khi chưa sẵn sàng chỉ vì bố mẹ họ hàng thúc giục. Để rồi thiếu trang bị kiến thức, tâm lý và tiền bạc; để rồi có những người mẹ trầm cảm, có những đứa con lớn nên với những vết thương tuổi thơ.

Chúng ta được dạy rằng, ta sống trong một xã hội tập thể, không phải muốn làm gì thì làm; chúng ta phải có trách nghiệm với gia đình và xã hội. Vậy nên, đi ngược lại với tiếng nói của đám đông sẽ là ích kỉ, vô trách nghiệm. Kết quả của hệ tư tưởng ấy là những đứa bé lớn lên với thương tổn vì phải đóng vai “đứa trẻ ngoan", những thanh niên phải từ bỏ đam mê và tồn tại qua ngày, những thế hệ people pleaser cố gắng làm hài lòng người khác... Nhưng các bạn đã bao giờ thử dừng lại một chút để quan sát bản thân: liệu chúng ta có đang hạnh phúc hay không?

Chúng ta có trách nghiệm với người khác, nhưng lại ích kỉ với chính mình.

Yêu Thương Bản Thân Mới Là Cốt Lõi

Một năm tập gym rất hardcore, tôi không thu hoạch được gì về thể hình.

Nhưng tôi lại học được một thứ khác, bất ngờ và ý nghĩa.

Đó là yêu cơ thể của bản thân.

Dù người tôi gầy, mông tôi lép, ngực tôi phẳng... Tôi chẳng quan tâm. Tôi thấy đẹp.

Và tôi bắt đầu biết tập trung nhìn vào những điểm mạnh trên cơ thể của tôi. Bụng thon phẳng có đường cơ bụng, mặt xinh, tay chân nhỏ nhắn đáng yêu. Nhìn vào gương, tôi thấy “tôi” đẹp theo cách của riêng mình, chứ không phải là một “tôi” xấu xí như những gì người ngoài nói.

À còn một điều nữa, đó là cơ chế sợ hãi đằng sau động lực đi tập của tôi. Theo nhà triết học, lịch sử học Niccolo Machiavelli: Con người được thúc đẩy bởi hai nguồn động lực cơ bản, hoặc sự yêu thương, hoặc nỗi sợ hãi. Khi bị cuốn theo động lực sợ hãi, tôi tập tành trong sự căng thẳng, mệt mỏi, lẽ tất nhiên sẽ chẳng thể hiệu quả được. Làm sao mà bạn có thể lên cân khi tâm trí của bạn quá stress.

Từ đó, tôi không đi tập gym nữa.

Thay vào đó, tôi sẽ tập những món mà tôi cảm thấy hứng thú, như sexy dance, đi bộ, thiền... Không cần hardcore, nhưng hiệu quả, vì tinh thần tôi được thả lỏng và hào hứng.

Và tôi cũng chẳng còn quan tâm đến lời chê bai của những người khác nữa. Những tiếng nói lao xao bên ngoài không thể bắt tôi làm một việc tôi không thích, hoặc căng thẳng và chán ghét bản thân nữa. Những lời nói đấy không định nghĩa được tôi, cũng không phải là con người tôi. Tôi mới là nhân vật chính của cuộc đời tôi mà; chỉ tôi là người biết rõ nhất tôi cần gì và nên làm gì thôi.

Một lí do khiến ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác chính là mất kết nối với bản thân. Ta không biết ta muốn gì, yêu thích điều gì, điểm mạnh của ta ở đâu, con tim ta mách bảo ta làm gì... nên ta tin ngay lời người khác nói. Ví dụ như trường hợp của tôi: không biết mình thích học ngành gì nên bố mẹ bảo thi vào trường nào thì thi; không biết mình thích hoạt động thể chất nào nên khi thấy ai ai cũng đi tập gym thì mình cũng tập.

Ngược lại, khi ta có đủ yêu thương và thấu hiểu bản thân, những tiếng nói lao xao bên ngoài sẽ chẳng nghĩa lí gì với ta nữa.

Tựa như một bình nước đầy sẽ không còn chỗ cho những hạt cát.

Học Cách Thôi Quan Tâm Đến Lời Nói Của Người Khác

Đầu tiên, hãy chủ động chọn môi trường cho bạn. Thay vì ngồi ở quán cafe nghe các cô bạn chê bài bạn đủ điều và khuyên nhủ bạn phải làm này làm kia, bạn có thể chọn đến quán bar quẩy tung tăng và vui đùa theo cách của bạn.

Hãy nhớ, bạn là nhân vật chính trong cuộc đời bạn, bạn có quyền CHỌN môi trường cho bạn và CHO PHÉP ai được bước vào môi trường ấy. Với những ai hay đưa lời chê bai phán xét, bạn có thể chọn cách ít nói chuyện riêng với họ hoặc “tiễn" họ ra khỏi cuộc đời bạn.

Tiếp theo, biết đưa ra giới hạn và học cách nói KHÔNG. Không ai trong chúng ta yêu thích những lời chê bai, phán xét, so sánh... Hãy quan sát bản thân khi bạn nhận được những lời nói ấy: bạn có bị mất tự tin không? bạn có cảm thấy giận dữ không? bạn có đồng ý với những “dán nhãn" tồi tệ về bạn thân không? Nếu có, bạn nên nói rõ với đối phương: “mình không thích lắng nghe những lời này”, hoặc “những lời này đang khiến mình không thoải mái". Nếu bạn cảm thấy đối phương có động cơ tốt, bạn có thể lịch sự ghi nhận: “mình biết bạn có ý tốt cho mình" và đề xuất đối phương sử dụng cách thức khác như lắng nghe, động viện, hoặc khuyên nhủ khách quan hơn.

Cuối cùng, hãy kết nối và yêu thương bản thân. Hãy ôm ấp và ghi nhận những mặt tốt của mình; và yêu cả những điều không hoàn hảo nơi mình, để biết rằng mình đang phát triển và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Yêu bản thân và hiểu bản thân không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nhưng bạn hãy cứ cho mình thời gian nhé. Hôm nay bạn có thể viết một chút nhật kí, lắng nghe tiếng lòng mình; ngày mai bạn có thể thưởng bản thân 1 buổi tối chẳng có trách nhiệm gì hết mà chỉ làm việc mình thích; ngày kia hãy diện lên cho mình 1 bộ đồ thật đẹp và tự tin sải bước trên phố đông ... Hãy cứ mỗi ngày một chút bạn nhé.

Tôi đã thôi quan tâm tới lời nói của người khác không có nghĩa là tôi đã có thể hoàn toàn không bị ảnh thưởng bởi những tác động bên ngoài. Tôi vẫn đôi khi chuệnh choạng, nghi ngời, tự ti và nản chí... Nhưng sau đó, tôi lại nhắc nhở bản thân về con đường mình nên đi, nơi tôi là nhân vật chính của chính cuộc đời mình. Vậy nên, tôi mong bạn hãy vững tâm, để những tiếng nói xung quanh đôi khi chỉ khiến ta chệch ra khỏi đường ray một chút thôi.

Rồi sau đó hãy mỉm cười bước trở về con đường của riêng bạn.

 
 
Previous
Previous

HƯỚNG NỘI: CÁNH CHIM LẠC BẦY

Next
Next

SÂN KHẤU CỦA TÔI