SỰ PHI THƯỜNG CỦA TÍNH DỄ THƯƠNG TỔN

Chồng tôi đôi khi sẽ gọi tôi là “cô gái tự tin" của ảnh. Và có lúc, anh thấy tôi tự tin quá đà.

Tôi cũng từng cho là như vậy. Nhưng chỉ là TỪNG thôi.

Đã bao giờ bạn cố tỏ vẻ một cách thái quá chỉ để che giấu điều ngược lại của bản thân?

Với tôi, đó là cách tôi tự lừa mình dối người, rằng: tôi không hề tự ti đâu.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi dám thừa nhận góc tối yếu đuối này của chính mình. Tôi thấy thiếu tự tin vào khả năng của bản thân cũng như giá trị mà mỗi buổi khai vấn của tôi có thể đem lại.

Để thú nhận được điều này cần thật nhiều lòng dũng cảm. Bởi đâu đó trong tôi nói rằng: nếu bản thân còn chẳng tin vào giá trị của mày, thì liệu ai sẽ tin vào những gì mày đang làm và chia sẻ đây?

Ba tháng nay, tôi làm việc xoay quanh chủ đề Sự Tự Tin với sự hỗ trợ của một chuyên gia khai vấn cá nhân người Úc. Anh ấy nói với tôi: “Mày có biết một nhà khai vấn tuyệt vời là người như thế nào không? Đó không phải là kẻ xuất hiện một cách hoàn hảo với tất cả ánh hào quang và sự tự tin đến mức độ ngạo mạn, rằng anh ta chẳng có gì cần phải cải thiện nữa. Với tao, một người coach giỏi nhất là người cho cho phép và chấp nhận những mặt dễ thương tổn của mình. Một người dám kể về những vết thương, những nỗi đau, những vật lộn và hành trình mà người ấy vượt qua nó.”

Lời khuyên ấy đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Nó gợi nhớ cho tôi về hành trình tôi chia sẻ những câu chuyện của bản thân trên blog và podcast, chân thật, bình phàm, với những vết thương được mở ra cho khán giả cùng xem. Và chính những câu chuyện đấy đã chạm tới thật nhiều những trái tim, giúp cho thật nhiều người được truyền cảm hứng và chữa lành.

Nhưng kì lạ thay, tôi chưa bao giờ chia sẻ về tính dễ tổn thương của tôi trong công việc mà tôi đang làm.

Đâu đó trong tôi vẫn chạy trốn và không dám đối mặt.

Bên Trong Mỗi Chúng Ta Đều Cố Gắng Che Giấu Những Mặt Dễ Thương Tổn.

Tôi thường được nhận lời khen về sự tự tin như một điều hiển nhiên. Chính tôi cũng không mảy may nghi ngờ về điều này. Bạn có thể bắt gặp tôi đứng trên bục giảng trước hàng trăm sinh viên với giọng nói nội lực và đôi mắt quyết đoán. Bạn có thể thấy tôi tự tin và linh hoạt thuyết trình hoặc bảo vệ bài nghiên cứu trước rất nhiều chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ. Bạn có thể thấy một tôi vui vẻ hoạt bát sống động trên facebook hoặc sải bước mạnh mẽ trên phố đông. Nhưng bạn có lẽ chưa từng thấy tôi oà khóc vì một chiếc giáo án dang dở, căng thẳng đến độ muốn trốn chạy trước mỗi phiên khai vấn, và đóng chặt bản thân không muốn giao tiếp với những người xa lạ. Có chăng, tôi sẽ khoác lên một hình tượng hoàn hảo, một chiếc mặt nạ chuyên nghiệp để tiếp tục những gì tôi cần làm.

Nhưng thẳm sâu bên trong, tôi không hề thấy ổn.

Còn bạn, đã bao giờ bạn đeo lên một chiếc mặt nạ chỉ để che giấu đi những góc dễ tổn thương của bản thân?

Chúng ta đang sống trong một xã hội, nơi mà những sợ hãi, nỗi đau, tự ti, giận dữ và không chắc chắn được coi là yếu đuối và cần phải bài trừ. Chúng ta cố gắng đóng băng, làm tê liệt những “góc tối" này bằng những cuộc chơi thâu đêm, bia rượu, game, shopping, và chiếc bánh ngọt thật lớn. Chúng ta hét lên: “tôi không thích những cảm xúc này, dừng lại đi, biến đi.”

Nhưng đó không phải là cách mà bên trong chúng ta hoạt động. Ta không thể lựa chọn cảm xúc nào ta muốn khoá lại. Bằng việc cố gắng đóng băng những mặt dễ thương tổn, ta đồng thời đóng lại cánh cửa của niềm vui, hạnh phúc, sự sáng tạo, lòng biết ơn, sự hân hoan và những chuyển hoá nội tại.

Tôi đã sống cả một cuộc đời sợ hãi những điều không chắc chắn, những tự nghi ngờ giá trị bản thân và tự so sánh như một bài học lớn lao mà tôi cần dũng cảm vượt qua. Cứ mỗi khi tôi chạy trốn khỏi điều mang lại nỗi sợ, tôi thấy bản thân dậm chân tại một hiện trạng tạm bợ. Và chỉ đến khi tôi chọn cách dám bước vào nỗi sợ và vùng không biết, tôi thấy những cánh cửa mới, những cơ hội mang lại niềm vui và sự đột phá.

Vậy nên mỗi khi tôi cảm thấy dễ thương tổn, tôi biết như một dấu hiệu báo trước của vũ trụ: nỗi sợ đang đợi tôi phía trước, và sự hoan ca của phát triển cũng vậy.

Cho Phép Mình Được Dễ Thương Tổn Là Lúc Bạn Mạnh Mẽ và Dũng Cảm Đến Phi Thường.

Công việc của tôi cho tôi sự vinh hạnh được lắng nghe thật nhiều câu chuyện của con người đến từ những đất nước khác nhau, tuổi tác và sự nghiệp khác nhau. Nhưng hầu hết họ đều có một điểm chung: họ bắt đầu kể về bản thân với tiếng nói của lí trí. Những lúc ấy, tôi sẽ thử để họ nhắm mắt lại, hít vài hơi thật sâu và hỏi rằng:

- Ngay lúc này đây, con tim bạn đang nói gì với bạn?

Sẽ có những người cần mất 10 phút để có thể mở lòng với những cảm xúc thật, có những người lại cần nhiều hơn…

Bởi, khi bạn bắt đầu kể câu chuyện của bản thân với tất cả trái tim và sự chân thật, nó đòi hỏi lòng cam đảm để phơi bày những mặt không hoàn hảo, để là một con người không hoàn hảo.

Hôm qua tôi có xem một chiếc clip đầy cảm hứng trên Ted Talk với tiêu đề: “The Power of Vulnerability". Diễn giả Brene Brown là một nhà nghiên cứu về xã hội học. Cô ấy đứng trước 500 người bắt đầu với câu chuyện cô ấy đã khủng hoảng ra sao, và đã đi trị liệu tâm lý thế nào… Và điều kì diệu là khi cô ấy kể về những tổn thương và sự xấu hổ, không ai thấy cô ấy yếu đuối cả. Khán giả chỉ thấy một người phụ nữ dũng cảm và truyền cảm hứng. Từ đó, họ biết đến Brene Brown là một nhà nghiên cứu về tính dễ thương tổn. Cô ấy khẳng định: Tính dễ thương tổn là thước đo chính xác nhất của lòng can đảm.

Tôi thấy điều tương tự trong những giọt nước mắt của khách hàng của mình, nơi họ dám nói ra những mặt dễ tổn thương của họ. Tôi thấy những xúc cảm rất đẹp, rất người và phi thường.

Thời gian trước tôi được làm việc với một khách hàng khá đặc biệt. Trái ngược với sự nhạy cảm và khá thiếu nghị lực của tôi, cô ấy là một người sếp chuyên nghiệp, mạnh mẽ và quyết đoán. Cô ấy đến với mối bận tâm muốn kiểm soát cơn giận dữ và đem lại một môi trường làm việc tốt lành cho nhân viên. Sau khi lắng nghe được những cố gắng đè nén cảm xúc của cô ấy, tôi tặng cô ấy một hình ảnh ẩn dụ. Đó là bức tranh về người sếp đang đeo qua đeo lại hai chiếc mặt nạ, một chiếc mặt nạ chuyên nghiệp không cảm xúc, và một chiếc mặt nạ với những cảm xúc rất người. Tôi hỏi: “Cậu thấy gì trong đôi mắt của người sếp ấy?”

Đến đây, cô gái quyết liệt của tôi bỗng im lặng và nghẹn ngào trong nước mắt. Cô ấy nói: “Nếu được chọn, người sếp ấy không muốn đeo lên chiếc mặt nạ nào cả.”

Đó là một khoảng khắc nhận ra thật đẹp.

Và tôi cũng tự nhủ với chính mình: tôi cũng không muốn phải đeo một chiếc mặt nạ nào hết. Có Chúa mới biết chúng nặng nề và mệt mỏi thế nào. Tôi chỉ muốn được là chính tôi, vẹn nguyên, chân thành. Tôi không cần phải hoàn hảo để trở thành một chuyên gia khai vấn giỏi. Tôi không cần phải hoàn thiện để chia sẻ những bài học về phát triển bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bước Vào Vùng Dễ Thương Tổn Là Nơi Khởi Nguồn Của Niềm Vui, Tình Yêu và Những Thay Đổi.

Có một người bạn cũng làm về khai vấn và sáng tạo nội dung phát triển bản thân hỏi tôi rằng: “Thanh có khi nào thấy áp lực hình tượng với những gì mình chia sẻ không? Mình phải là người như nào (làm gương) thì mới có thể chia sẻ cho người khác chứ?”

Tôi mỉm cười: “Mình không. Mọi điều mình chia sẻ đều là gần và thật nhất với chính mình.”

Và tôi luôn thấy biết ơn về quyết định đó.

Còn nhớ một năm trước, khi tôi bắt đầu chập chững chia sẻ trên fanpage và tiktok… Đó là những bài viết đầy kiến thức nhưng khô khan xa vời. Đó là những chiếc clip đóng vai một cô gái xinh đẹp nhiều năng lượng nói về kiến thức một cách nhanh và vội. Sau đó, tôi đã xoá hết kênh ấy đi với một sự thất vọng tràn trề: nó flop một cách tệ hại, và trên hết, nó chẳng phải là tôi.

Sau này, tôi trở lại với những câu chuyện chân thành, để mọi người có thể nhìn thấy tận sâu trong tâm hồn tôi và thấu tỏ tôi là ai. Và đó cũng là lúc, tôi bắt đầu nhận được sự đón nhận của người đọc, người nghe. Và đó cũng là khi, tôi tìm thấy tình yêu và ý nghĩa trong công việc mà tôi đang làm.

Ôm ấp những mặt dễ tổn thương là điều cần thiết để ta sẵn lòng thể hiện bản thân một cách chân thật nhất và cho phép bản thân được hiển lộ tới tận sâu trong tâm hồn. Để làm được điều này cần nhiều lòng can đảm, nhưng đó cũng là nơi khởi nguồn của niềm vui, tình yêu và những thay đổi tích cực. Chỉ khi ta có thể chấp nhận và ôm ấp sự tổn thương, ta mới có thể dám làm bất kì điều gì dù cho kết quả có ra sao. Chỉ khi ta cho phép bản thân sống với những mặt dễ thương tổn, ta mới dám theo đuổi điều mình mong muốn mà không quan tâm tới những lời phán xét, và yêu bằng cả trái tim dù cho có thể chẳng đi đến đâu.

Hôm nay, khi tôi cho phép bản thân bày tỏ những mặt dễ tổn thương của mình, cũng là cho phép mình tiếp tục dấn thân trong một công việc mà tôi thiếu khuyết sự tự tin. Phía trước có thể là nỗi sợ và sự thất bại ê chề đang chờ đợi tôi. Tôi chẳng thể biết trước. Điều duy nhất tôi đoan chắc rằng, niềm vui, hạnh phúc và những kết quả tốt lành luôn đi kèm với một cái giá. Và tôi cứ dấn thân về phía trước như một người chiến binh, biết rằng nếu không dám chấp nhận những vết thương và nước mắt, sẽ chẳng thể đến được điểm cuối của sự vinh quang.

**KẾT**

Để kết thúc bài viết này, tôi xin dành tặng các bạn một câu nói của Theodore Roosevelt:

“Lịch sử không kể tên những kẻ phê bình - kẻ chỉ bảo người đàn ông mạnh mẽ cách vấp ngã, hoặc người thực thi cách làm tốt hơn. Lịch sử ghi danh người thực sự ở trong đấu trường, khuôn mặt bị hoen ố bởi cát bụi, mồ hôi và máu; người phấn đấu anh dũng; vấp ngã và vấp ngã, bởi không có nỗ lực nào mà không có sai sót và thất bại. Lịch sử chỉ viết về những người đã thực sự nỗ lực để chiến đấu; những người có đam mê vĩ đại, những người có cống hiến lớn lao; những người đã hi sinh chính mình cho một mục đích xứng đáng; người mà đến cuối cùng, sẽ chạm tới đỉnh cao của vinh quang. Và dù cho anh ta có thất bại, thì anh ta cũng thất bại khi đã dám liều lĩnh một cách vĩ đại.”

Dám bước vào vùng thương tổn có thể là điều khó khăn nhất mà ta phải đối mặt. Nhưng chỉ khi ta dám dấn thân, cho phép mình lấm lem bởi những thương tổn, ta mới có thể đi đến tận cùng của tự do và sống một cuộc đời mình hằng mong muốn.

Và thế là tôi vẫn lựa chọn đứng ở đây, ôm ấp những tổn thương và nhặt lại những mảnh vụn của sự tự tin khi cố gắng theo đuổi một công việc đầy thử thách.

Còn bạn, bạn sẽ lựa chọn ra sao?

 
 
Previous
Previous

GASLIGHTING - BẠN CÓ ĐANG BỊ THAO TÚNG TÂM LÝ?

Next
Next

ĐỪNG NUỐI TIẾC NHỮNG RỰC RỠ CỦA TUỔI TRẺ