GASLIGHTING - BẠN CÓ ĐANG BỊ THAO TÚNG TÂM LÝ?
Cách đây nhiều năm, khi tìm tòi về tâm lý học, tôi từng đọc được một câu chuyện khá thú vị như này:
Hai người đàn ông và một xác chết.
Người đàn ông số Một lái xe đến và thấy người đàn ông số Hai bước nhanh khỏi căn nhà, bên trong là một xác chết.
Họ nói chuyện với nhau, Một hỏi vì sao Hai giết người. Hai hỏi ngược lại Một:
- Cậu không nhớ gì hết sao?
- Nhớ gì?
- Cậu thực sự đã quên người giết ông ta rồi sao?
Và Hai trần thuật sự việc, về điều gì khiến Một vô tình giết người, giết ra sao… Chi tiết và chân thật đến nỗi Một bàng hoàng:
- Cậu điên rồi, lúc đó rõ ràng tôi từ xe chạy đến gõ cửa đã thấy cậu bước ra mà.
- Cậu quên mất khúc giữa và lẫn lộn ký ức với câu chuyện ta dựng nên rồi.
Hai tiếp tục trần thuật lại sự việc, mạch lạc, nghiêm túc và chi tiết, bất chấp Một cố gắng phủ nhận nhiều lần. Cuối cùng, Một hình dung lại sự việc trong đầu và run rẩy vì cảm giác tội lỗi.
Nhưng, tất cả chỉ là bịa đặt của người đàn ông số Hai thôi. Cách hắn bóp méo sự việc và thao túng tâm lý đối phương một cách tinh vi được gọi là “Gaslighting".
Gaslighting (Hiệu Ứng Thắp Sáng Đèn Ga) là một hình thức thao túng tâm lý / lạm dụng cảm xúc, trong đó kẻ thao túng đánh lừa nạn nhân bằng những thông tin thiếu sự thật hoặc bị bóp mép khiến nạn nhân bị hoang mang, lo lắng, và dẫn tới tự nghi ngờ về tính đúng đắn của những suy nghĩ, nhận thức hoặc ký ức của chính họ. Kết quả là, họ mất tự tin và lòng tự trọng, không chắc chắn về cảm xúc của bản thân, tinh thần bất ổn và lệ thuộc vào thủ phạm. [1]
Thuật ngữ này có nguồn gốc từ một vở kịch kinh dị bí ẩn năm 1938 do nhà viết kịch người Anh Patrick Hamilton chắp bút với tên Gas Light và được dựng thành một bộ phim nổi tiếng vào năm 1944 với sự tham gia của Ingrid Bergman và Charles Boyer. Trong phim, người chồng Gregory thao túng người vợ Paula khiến cô ấy không còn có thể tin tưởng vào nhận thức của chính mình về thực tế.
Trong một cảnh quan trọng, Gregory làm cho đèn gas trong nhà trở nên lờ mờ. Tuy nhiên, khi Paula hỏi tại sao đèn ga lại mờ đi, anh ta khẳng định rằng điều đó không thực sự xảy ra và đó là tất cả trong tâm trí cô, khiến cô nghi ngờ khả năng tự nhận thức của mình. Do đó thuật ngữ "gaslighting" ra đời.
Và đó là lần đầu tiên tôi biết đến thuật ngữ Gaslighting. Nhưng tôi cũng đã rất nhanh quên đi nó vì… nó tương đối không liên quan đến cuộc sống của tôi. Những năm gần đây, dù cho thuật ngữ này trở nên phổ biến hơn, tôi vẫn không để tâm đến nó lắm.
Vậy mà hôm nay, tôi đã phải bỏ công nghiên cứu sâu hơn về hình thức lạm dụng cảm xúc này, bắt nguồn từ một tin nhắn của cô em gái: “Em nhận ra hình vi của X (một mentor trong chỗ làm của em ấy) là gaslighting.”
Tôi bảo với em thử google cách ứng phó với gaslighting xem, vì tôi chưa có trải nghiệm với món này bao giờ…
…Ồ mà hình như có đấy… Một kí ức không mấy tốt đẹp khi đi làm của nhiều năm trước hiện lên trong đầu tôi.
Damn it, tôi thầm nhủ.
Nghe gaslighting có vẻ to tát và nghiêm trọng, nhưng chính tôi và bạn có thể là nạn nhân nó của mỗi ngày mà không hề hay biết.
CÂU CHUYỆN GASLIGHTING MÀ CÓ THỂ BẠN ĐÃ GẶP
Chuyện là 5-6 năm trước khi tôi mới ra trường, trẻ và ngây ngô như một tờ giấy trắng. Bên cạnh việc dạy chính tại một trường Đại học, tôi nhận lời mời dạy thêm của một trung tâm để củng cố thu nhập. Anh chủ trung tâm (tạm gọi anh P.) khá quý mến và tạo nhiều cơ hội cho tôi, có lẽ cũng vì những người vừa tốt nghiệp đã có credit giảng viên là không nhiều. Tôi cũng khá ưng môi trường làm việc ở đây.
Cho đến khi dạy hết khoá đầu tiên, tôi nhận được email giao cho lớp tiếp theo kèm một dòng note khá khó hiểu từ chị trợ lý trung tâm (chị H.):
- “Thầy P. có gọi cho chị và nhắn với chị là nói với Thanh đây là cơ hội cuối cùng để Thanh được làm việc và học hỏi tại trung tâm. Thầy hi vọng Thanh có thể thay đổi và phát triển bản thân mình hơn nữa.”
Tôi hoang mang: chẳng lẽ bản thân có sai sót gì, sao không thấy anh P. nhận xét hay góp ý gì tới tôi? Tôi cũng không hề nhận được phản hồi tiêu cực từ phía học viên. Phải biết rằng khi ấy tôi mới ra trường, và sự tựu tin về khả năng chuyên môn của mình chưa nhiều. Tôi vội email hỏi chị H. giải thích “cơ hội cuối cùng" ở đây nghĩa là gì.
Chị phản hồi tôi bằng một câu hỏi lấp lửng: “thầy chưa nói gì với em sao?”; và bảo sẽ nhắc thầy nhắn với tôi.
Tôi bị bỏ lại trong sự hoang mang bởi thông tin không rõ ràng và lấp lửng. Thế nào là cơ hội cuối cùng? Vậy là ý muốn cho tôi nghỉ việc hay sao? Sao không có một buổi meeting rõ ràng mà lại qua một lời note ở mail không đầu không đuôi? Tôi mang tâm thế thấp thỏm, hậm hực và nghi ngờ giá trị bản thân đến tận khi dạy gần xong lớp đấy mà vẫn chẳng nhận được một lời đính chính.
Những cảm xúc và suy nghĩ mông lung cứ giàu vò khiến tôi vô cùng stress, đến nỗi tôi quyết định gọi điện thẳng tới anh P. hỏi cho rõ chuyện và xin nghỉ việc. Bất ngờ là anh P. đã hoàn toàn phủ nhận, rằng anh không hề có quyết định nào như thế hết. Tôi forward cho anh mail của chị H. Anh im lặng một hồi rồi nhắn lại với tôi đó là sự hiểu lầm trong giao tiếp giữa hai người, và anh vô cùng xin lỗi tôi.
Đến lúc đấy, trí thông minh của tôi cuối cùng cũng đã đánh bật được sự ngờ nghệch của tuổi trẻ mà cất lời: Mày bị người ta chơi một vố rồi. Tất nhiên, người “chơi" tôi là chị trợ lý - người học trò lâu năm mà anh P. đã lựa chọn bảo vệ dù biết chị hành xử sai.
Tôi bắt đầu xâu chuỗi lại sự việc… Rằng chị H. đã được anh P. (đồng thời cũng là thầy giáo) hướng dẫn và đào tạo rất nhiều năm nhưng mãi chỉ được làm trợ giảng vì chưa đủ năng lực đứng lớp. Và tôi dù mới vào dạy nhưng lại nhận được nhiều lời khen từ anh P.
Sau này khi trưởng thành hơn và nhìn nhận lại sự việc, tôi thấy thương chị H. nhiều hơn là trách, vì tôi thấu hiểu được sự tự ti và bất an trong chị.
Nhưng dù sao thì đó cũng là một trải nghiệm đi làm thật tệ của tôi, khiến tôi sau này vô thức cảnh giác và không thoải mái khi làm việc cùng bất kì ai, và cuối cùng lựa chọn làm công việc tự do không tổ chức.
Tất nhiên, tôi đã có thể vững vàng hơn, tỉnh táo hơn, chủ động trong hành xử và thôi nghi ngờ giá trị bản thân nếu tôi của ngày ấy nhận định được dấu hiệu Gaslighting. Sự thiếu hiểu biết và nhận thức đã khiến tôi bị thao túng tinh thần (chỉ bởi vài dòng email bóp méo sự thật), đến nỗi mất tự tin và phải tự nghỉ việc.
Gaslighting phổ biến hơn bạn tưởng, và để tránh phải nhận lấy những tác động tiêu cực từ nó, điều tiên quyết chính là NHẬN THỨC.
Tiến sĩ - Giáo sư Robin Stern chỉ ra rằng hầu hết chúng ta đều từng bị thao túng tinh thần. Bởi vậỵ học cách nắm bắt được hiệu ứng này, ngăn chặn nó và giảm thiểu tác động tới tâm lý là điều cần thiết. Nếu không có nhận thức để chế ngự nó, gaslighting có thể có ảnh hưởng một cách tàn phá và lâu dài tới cảm xúc, tinh thần và sức khoẻ của chúng ta. [2]
Trong cuốn sách The Gaslight Effect: How to Spot and Survive the Hidden Manipulation Others Use to Control Your Life, Robin Stern chỉ ra hiệu ứng gas-lighting là một mối quan hệ được tạo nên từ hai phía mà bà gọi là Điệu Tango Đèn Gas (Gaslight Tango). Gọi là điệu Tango vì thủ phạm chẳng thế nhảy nếu thiếu đi sự “hợp tác" của bạn, chính bạn đã vô thức “cho phép” thủ phạm bơm vào trong tâm trí những thông tin sai lệch. Thật bất ngờ phải không? Bởi vì chúng ta không hiểu bản thân nhiều như chúng ta nghĩ. Chúng ta trong vô thức đã để điều đó xảy ra với chính mình.
Bạn có thể là nạn nhận của gaslighting mà không hề mảy may hay biết. Và để chống lại nó, điều tiên quyết chính là NHẬN THỨC. Nhận thức mà tôi muốn đề cập đến ở đây gồm nhận diện dấu hiệu của gaslighting (khi nó xảy đến với bạn), thấu hiểu vì sao một người lại có hiện tượng thao túng tâm lý đối phương, và cuối cùng là thấu hiểu bản thân và tin tưởng vào giá trị của chính mình.
Vì sao một người nào đó lại thực hiện hiệu ứng gaslighting lên bạn?
Gaslighting có thể xảy ra trong các mối quan hệ cá nhân (vợ / chồng bạo hành hoặc, trong trường hợp hiếm hơn, là cha mẹ), trong các mối quan hệ nghề nghiệp (sếp / đồng nghiệp thao túng, bóc lột cấp dưới), và thậm chí với các nhân vật công chúng.
Mục đích điển hình của những người thực hiện gaslighting không chỉ là thao túng mà còn là quyền lực và quyền kiểm soát. Loại hành vi này thường bắt nguồn từ chứng thái nhân cách hoặc rối loạn nhân cách như ái kỷ, chống đối xã hội và rối loạn nhân cách ranh giới. Ngoài ra, động cơ có thể đến từ ý thức thấp về giá trị bản thân hoặc lòng tự tôn thấp và sự bất an (được che đậy bằng cách liên tục chỉ ra những sai sót của người khác). [3]
Đôi khi, người ta thực hiện gasligting không cố ý hoặc ác ý, hoặc thậm chí thủ phạm không nhận thức được những gì họ làm là thao túng tinh thần. Nó có thể là kết quả của việc họ đã được nuôi dạy như thế nào. Có thể cha mẹ họ giữ những niềm tin rất khô khan và cứng nhắc. Điều đó tác động lên thế giới quan của họ. Đồng thời họ cũng tin tưởng vào thế giới quan đó một cách cứng nhắc đến nỗi khi ai đó nhìn mọi thứ khác đi, họ cho rằng người đó có vấn đề.
Hãy xem xét trường hợp của một người cha nghiêm túc (và cứng nhắc) tin vào tính đúng đắn của các giá trị của bản thân: ông có thể cho rằng có điều gì đó không ổn trong quan điểm của con gái nếu nó khác với quan điểm của ông. Bằng cách chỉ trích hoặc gay gắt với con gái mình - thậm chí cố gắng cắt đứt cô ấy khỏi những người bạn mà ông coi là "không tốt" đối với cô ấy - người cha đang phủ nhận khả năng nhận thức thực tế độc lập của cô ấy và khiến cô ấy phụ thuộc vào mình. [4]
Trường hợp này có vẻ rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, nơi những người trưởng thành lớn lên khi cố gắng làm đứa trẻ ngoan, không thể tự quyết định điều gì trái ý bố mẹ vì cảm giác tội lỗi hoặc tin rằng bố mẹ có lý. Hệ quả đó là một thế hệ không biết mình là ai và mong muốn gì, đánh mất động lực sống, thiếu tự chủ và khó rời xa bố mẹ.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang là nạn nhân của gaslighting
Theo Tiến sĩ Robin Stern, các dấu hiệu của việc trở thành nạn nhân gaslighting bao gồm:
- Bạn liên tục tự nghi ngờ về nhận định của bản thân hoặc gặp khó khăn khi đưa ra quyết định.
- Bạn suy ngẫm về một khuyết điểm trong tính cách (như quá nhạy cảm hoặc không phải là một người đủ tốt);
- Bạn cảm thấy mờ mịt hoặc không rõ ràng về suy nghĩ, cảm xúc hoặc niềm tin của mình;
- Bạn luôn xin lỗi;
- Bạn thường xuyên bào chữa cho hành vi của người quan trọng với mình;
- Bạn không thể hiểu tại sao bạn không hạnh phúc trong cuộc sống của chính mình;
- Bạn biết có điều gì đó không ổn, nhưng bạn không biết điều gì.
- Bạn có cảm giác rằng bạn đã từng là một người rất khác – tự tin hơn, vui vẻ hơn, thư thái hơn.
- Bạn thấy mình giấu diếm thông tin khỏi bạn bè và gia đình để bạn không phải giải thích hoặc đưa ra lý do ngụy biện.
- Bạn nghĩ kỹ trước khi đưa ra những chủ đề nói chuyện có vẻ vô hại.
Gaslight có thể không bao gồm tất cả các trải nghiệm hoặc cảm xúc này, nhưng nếu bạn nhận ra bản thân mình trong đó, hãy đặc biệt chú ý nó.
Tập trung vào bản thân là cách bạn có thể miễn nhiễm với gaslighting
Gaslighting không thể xảy ra với bạn nếu bạn không “vô thức" cho phép kẻ thao túng thực hiện hành vi bóp méo suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc và giá trị của bạn. Bạn miễn nhiễm với nó khi bạn thấu hiểu bản thân và tin tưởng vào giá trị của chính mình.
1. Thực hành kết nối với bản thân mỗi ngày
Thực hành journaling (viết nhật kí) và thiền là những cách rất hữu ích để bạn kết nối, yêu thương và thấu hiểu bản thân hơn. Bên cạnh đó, thực hành những lời khẳng định tích cực cũng sẽ hỗ trợ bạn xây dựng niềm tin vào giá trị của bản thân và lòng tự tôn.
2. Thương lấy chính mình
Khi nhận ra mình là nạn nhân của gaslighting, hãy quay trở lại chăm sóc bản thân và thương lấy chính mình. Hãy tự nhắc nhở rằng: sự việc xảy ra không phải lỗi của bạn, và bạn không phải chịu trách nghiệm cho hành vi của người thao túng. Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát và chịu trách nhiệm chính là cảm xúc, suy nghĩ và lựa chọn của riêng bạn.
3. Chấp nhận và trung thực với cảm xúc
Hệ quả của gaslighting khiến nạn nhân tự nghi ngờ chính suy nghĩ, giá trị, nhận thức và cảm xúc của họ. Vậy nên, thực hành ghi nhận và trung thực với cảm xúc của chính mình có thể giúp bạn dần dần nhận thức rõ hơn về bản thân và hành động đúng đắn theo nhu cầu thực sự của bạn.
Bên cạnh đó, bằng việc việc nhận diện cảm xúc và suy nghĩ không lành mạnh, bạn có thể điều hướng chúng sang những mảng tươi sáng hơn. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng: bạn không tệ hại hay điên rồ, bạn chỉ là đang hứng chịu một hình thức lạm dụng mà bạn không xứng đáng phải nhận.
4. Cho phép bản thân được buông bỏ
Phần đau đớn và khó khăn nhất để rời bỏ một mối quan hệ nơi bạn bị thao túng tinh thần đó là thủ phạm có thể là những người bạn yêu thương và kết nối nhất. Bạn thân, bố mẹ, anh chị em ruột, chồng hoặc vợ… Nhưng bạn ơi, hãy cho phép bản thân được bước ra khỏi những nguồn cơn độc hại.
Bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất. Và nếu ai đó đang cố gắng hạ thấp giá trị và lòng tự tôn của bạn chỉ để kiểm soát bạn, có lẽ đã đến lúc bạn dũng cảm nhìn nhận lại mối quan hệ này.
By Thanh Alice (M.A.)
Nguồn tham khảo:
[1] Definition of GASLIGHTING. (n.d.). In Dictionary by Merriam-Webster: America's most-trusted online dictionary.
[2] Stern, R. (2019, January 3). "I’ve counseled hundreds of victims of gaslighting. Here’s how to spot if you’re being gaslighted.". Vox.
[3] Soeiro, L. (2018, December 26). Is Someone Gaslighting You? Psychologytoday.
[4] DiGiulio, S. (2018, July 13). What is gaslighting? NBC News.
[5] Gordon, S. (2017, August 1). Ways to tell if someone is Gaslighting you. Verywell Mind.