THẮP SÁNG CỬA TIỆM CỦA BẠN

Có một chàng trai trẻ ước mơ mở một của tiệm của riêng mình. Chàng đã chuẩn bị thật nhiều đồ xinh đẹp hấp dẫn để bày bán. Chàng tỉ mỉ trang trí từng góc cửa hàng, sơn lên màu sơn chàng yêu thích, quét dọn thật tinh tươm… Nhưng chỉ còn bước cuối cùng là lật tấm biển “we are open” mà chàng mãi chưa làm. Thế là muôn vàn món đồ xinh ở cửa tiệm cứ ảm đạm u buồn trong bóng tối như vậy. Vài món đồ bắt đầu cũ đi, nhiều món thì dần hết hạn sử dụng, cứ thế mà phủi bụi cùng năm tháng.

Vậy chàng sợ hãi điều gì? Chàng lo nghĩ lung lắm, rằng liệu mọi người có ghé thăm cửa tiệm của chàng không? Liệu khách hàng sẽ thích những sản phẩm của chàng chứ? Chàng sẽ phải giới thiệu bản thân và các món đồ của chàng như thế nào đây? Người thân bạn bè sẽ nghĩ sao nếu họ biết chàng mở một cửa tiệm? Muôn vàn những chùng chình âu lo khiến chàng thà rằng mãi đóng kín cánh cửa.

Và, chàng trai ấy không phải là một nhân vật giả tưởng. Chàng ở trong mỗi chúng ta.



Từng người trong chúng ta đều có những món quà đặc biệt để trao tặng cho thế giới: một giọng hát hay, một ý tưởng kinh doanh độc đáo, một bài thuyết trình nghiên cứu tỉ mỉ… Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có đủ dũng khí để mở cánh cửa, phơi bày những món quà bên trong và giới thiệu nó cho thế giới bên ngoài. Nếu bạn không dám nói lên những mong muốn thực sự của bản thân và giấu đi những ý tưởng khác biệt, nếu bạn lo lắng mọi người sẽ đánh giá về hành động của mình… thì bạn không hề đơn độc đâu. Bởi nỗi sợ bị phán xét là một bản năng bẩm sinh của loài người.

Con người nguyên thủy đã học được rằng những hành vi không được xã hội chấp nhận sẽ dẫn đến việc bị đuổi ra khỏi bộ lạc. Sự từ chối của nhóm khiến anh ta phải đương đầu với động vật nguy hiểm hoặc các bộ tộc đối thủ. Khả năng có được nơi trú ẩn, thức ăn và nước uống đầy đủ sẽ giảm đi khi tồn tại một mình. Điều đó đồng nghĩa với việc những người thể hiện yếu kém, không được yêu thích và không phù hợp với tiêu chuẩn của bộ lạc có thể sớm phải đối mặt với cái chết. Hay nói cách khác, nỗi sợ bị phán xét gắn liền với cơ chế sinh tồn.

Đó là bài học của tổ tiên của chúng ta. Còn thời đại ngày nay dạy cho chúng ta điều gì về nỗi sợ bị phán xét? Việc những nút like, nút tim trở nên quá quyền lực khiến ta hiểu ra rằng sự đánh giá của người khác có tầm ảnh hưởng lớn lao thế nào tới mỗi cá nhân. Chúng ta mong muốn được mọi người thích mọi lúc. Nhưng bởi vì điều đó là không thể nên đây là một cuộc rong đuổi mà ta luôn thua mà thôi. Và điều ta đánh mất sau mỗi cuộc thua là chính bản thân mình. Ta đánh mất cơ hội là chính mình, tự do trải nghiệm, bộc lộ bản thể chân thật và toả sáng theo cách của riêng ta vào sự yêu ghét ngẫu nhiên của người khác.



Hãy đối mặt với điều đó, rằng con người luôn đánh giá người khác — tốt / xấu hoặc thích / không thích. Và khi có thông tin mới, tâm trí con người lại đánh giá: Đó là một quá trình liên tục của não bộ.

Nhưng mọi người không quan tâm đến chúng ta như ta vẫn hằng tưởng. Họ đánh giá chỉ vì sự phán xét là một phần hiển nhiên của loài người, chứ không phải vì họ quan tâm.

Thay vì né tránh vấn đề bằng cách che giấu và đè nén bản thân, hãy học cách bỏ mặc sự phán xét. Dưới đây là những gợi ý của giáo sư Jill P. Weber:

1. Hiểu rằng không có gì tồn tại mãi mãi. Thực tế là bộ não con người có dự trữ dữ liệu hạn chế. Mặc dù chúng ta có thể đưa ra những đánh giá, nhưng chúng không đủ quan trọng để có được một vị trí trong ngân hàng ký ức của chúng ta vĩnh viễn. Vì vậy, khi ai đó đưa ra phán xét về bạn, rất có thể vài khoảnh khắc hoặc vài ngày sau đó, phán xét đó sẽ trôi khỏi nhận thức của họ.

2. Ngừng cố gắng kiểm soát đánh giá của người khác bởi đánh giá là điều khó tránh khỏi. Bạn không thể kiểm soát những gì người khác nghĩ. Có thể họ sẽ không bày tỏ sự phán xét, nhưng không có nghĩa là họ có thể ngừng một quá trình sinh lý của não bộ.

3. Làm việc với nỗi sợ. Viết ra những lời khẳng định tích cực có thể giúp bạn lấy lại sự tự tin và cảm thấy trân trọng giá trị bản thân.

4. Chú ý những đánh giá của riêng bạn. Không có cách nào tốt hơn để thôi quan tâm đến đánh giá của người khác là ít đánh giá bản thân và mọi người xung quanh. Tất nhiên, việc phán xét là không thể tránh khỏi, nhưng hãy quan sát ngôn ngữ bạn sử dụng trong đầu về con người và sự kiện trong cuộc sống của bạn.



Quay trở lại với cửa tiệm bên trong bạn, tôi đoan chắc đó là một cửa tiệm thật đẹp với nhiều món đồ giá trị. Hãy nhớ lại xem bạn đã bỏ công bỏ sức xây dựng chúng ra sao? Từng kiến thức bạn đã dày công học tập, những kĩ năng bạn trui rèn bằng mồ hôi và nước mắt, những giờ làm việc không nghỉ, những lần vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách… Bạn đã đi thật xa không phải để bỏ cuộc. Những món quà, những công trình bên trong bạn xứng đáng được hé lộ sau cánh cửa, dù chỉ khẽ khàng một khe nhỏ, để ánh sáng lọt vào và thắp sáng cho cả thế giới thấy những gì bạn có.

Hãy để thế giới được chiêm ngưỡng bạn là ai, thay vì sợ sệt những lời đánh giá vô thưởng vô phạt mà đánh mất giá trị chính mình.

By Thanh Alice
#ThanhAlice

 
 
Previous
Previous

NHỮNG CƠN SÓNG CẢM XÚC

Next
Next

TÔI TỪNG SỢ CON NGƯỜI