NHỮNG THÓI QUEN CŨ
VÒNG LẶP QUEN THUỘC CỦA THÓI QUEN
Gần đây, mình nhận thấy bản thân (lần nữa) bị mắc kẹt trong một vòng lặp quen thuộc. Mỗi khi không có được kết quả như mong đợi, mình lại căng thẳng, gồng mình và thúc ép bản thân, nhưng chỉ là trong tâm trí thôi. Đó là những tiếng nói thúc giục bên trong, những tiếng nói tự phán xét: “tôi thật kém cỏi”, “tôi không làm được đâu", tôi phải cố gắng hơn gấp 100 lần thì may ra...”. Còn phần bên ngoài - đã quá kiệt sức bởi những giằng xé nội tâm - uể oải, dậm chân tại chỗ và trượt dài.
Thúc ép bản thân không đủ, mình bắt đầu thúc ép những người xung quanh: đồng nghiệp, khách hàng, thậm chí cả người bạn đời... Giống như một người mẹ khổ hạnh tất bật, mình túm chặt lấy tay họ và kéo họ chạy thật nhanh về phía trước.
Một trong những công việc gần đây của mình là hỗ trợ chữa lành cho những con tim tổn thương thông qua liệu pháp khai vấn và thiền viết. Đó là một vai trò cần sự thấu cảm, kiên nhẫn và tin tưởng; là lùi lại phía sau quan sát và lắng nghe. Vậy mà như một thói quen, một vòng lặp không lành mạnh của tâm trí, mình lại vô thức thúc ép các khách hàng chạy nước rút trên tiến trình của họ, tung cho họ một đống task phải làm và check xem họ đã làm đủ “bài về nhà" hay chưa. Mình biết hình ảnh đó thật giống một cô giáo nghiêm khắc thúc mông tụi nhóc học trò học sao cho chăm. Chính mình cũng thấy hình ảnh đấy thật chẳng hay ho.
BUÔNG BỎ THÓI QUEN CŨ
“Tôi đã không còn đứng trên sân khấu cũ.”
“Tôi cũng không phải tôi của ngày xưa.”
Đó là câu nói mình phải nhắc nhở bản thân nhiều lần trong những năm vừa qua, mỗi khi mình lặp lại những thói quen cũ - thói quen của một nhà giáo.
Khi mình tự hỏi bản thân rằng: liệu những thói quen cũ ấy có giúp ích được gì cho mình trong vai trò và định danh mới? Câu trả lời là KHÔNG.
“Vậy hãy buông bỏ những thói quen cũ đó đi.” - Mình nhắn với bản thân.
Tất nhiên, điều đó chẳng dễ dàng gì.
Một người chị nói với mình: bản chất của thói quen chỉ là cảm xúc. Chúng ta cứ lặp đi lặp lại một hành động đơn giản vì nó mang lại cho ta cảm xúc dễ chịu.
Ngẫm lại thì điều đó thật chẳng sai. Ta hay ăn vặt vì khi ăn ta thấy vui, được xả stress. Ta hay bỏ cuộc vì bỏ cuộc cho ta cảm xúc thư thái nhẹ lòng khi buông được gánh nặng của sự nỗ lực. Vậy nên, ta không nghiện thói quen, ta nghiện cảm xúc. Điều khiến một thói quen trở nên thật dai dẳng khó bỏ, đó là cảm xúc gắn liền với nó.
Hiểu được cơ chế này của thói quen thì làm việc với nó có vẻ cũng không quá khó khăn. Chính xác hơn là ta cần làm việc với cảm xúc thay vì làm việc với thói quen. Ví dụ, với thói quen không còn phù hợp với chúng ta nữa, hãy gắn nó với những cảm xúc khó chịu.
Ngược lại, nếu chúng ta cần thiết lập thói quen mới nào, hãy tạo dựng những cảm xúc tích cực, lành mạnh gắn liền với nó.
LET IT GO, LET IT FLOW
Có một bài học mà mình đã đúc kết được từ cuộc đời mình: gồng ép, căng thẳng và thúc giục sẽ chẳng đưa mình đến được với kết quả mình mong muốn. Ngược lại, nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng trớ trêu thay, bất chấp việc mình chả yêu thích gì trạng thái “thúc ép “này, thì mình cứ hay trải nghiệm nó như một người bạn già thân thuộc không được chào đón.
Rất may, mình đã có cơ hội làm việc với anh bạn già bất đắc dĩ này. Khi nhìn sâu vào vòng lặp của thói quen “thúc ép”, mình nhận ra hai điều:
1. Đằng sau thói quen đó là những bất an của bản thân, những niềm tin giới hạn rằng mình không đủ. Bởi vậy, mình cần phải ép bản thân trong một trạng thái căng thẳng và vội vã của sự nỗ lực.
2. Có một cảm xúc dễ chịu gắn liền với thói quen “thúc ép”: đó là yên lòng và được làm chủ. Cũng giống như mình từng push học trò nỗ lực hơn trong học tập vậy. Điều đó đưa mình vào vị thế an tâm và chủ động hơn với kết quả học tập của các em học sinh.
Thế rồi trong một lần tự đối chất với bản thân, mình bỗng khựng lại với câu hỏi: “liệu những gì tôi đang làm thật sự giúp ích cho khách hàng? Liệu người ấy có cần sự thúc ép của tôi?”
Có lẽ là không đâu.
Mình nhận ra, chính bản thân mình mới là người cần sự thúc ép ấy. Mình thúc ép người khác để bản thân được yên lòng.
Và đó chính là bước đầu tiên mình đã thực hiện để xử lý thói quen “thúc ép": thấu hiểu bản chất của hành vi đó. Theo phân tâm học, đằng sau mỗi hành vi luôn là một nhu cầu, một cảm xúc cần được đáp ứng. Với thói quen của mình, đó là nỗi bất an và nhu cầu được yên lòng. Còn bạn? Đằng sau thói quen của bạn là nhu cầu và cảm xúc gì?
Bước tiếp theo, hãy ghi nhận và ôm ấp những nhu cầu và cảm xúc ấy. Chúng không phải là kẻ thù để bạn phải tuốt gươm kiếm diệt trừ. Chúng là người đồng hành, là một phần rất “con người” của bạn và mình. Vậy nên, hãy thử an ủi và thì thầm với chúng xem. Với người bạn “bất an”, mình sẽ nói với nó mỗi ngày rằng: “Tự bản thân bạn đã ý nghĩa đủ đầy, bạn không cần phải gồng ép để chứng tỏ đâu”. Còn với thói quen thúc ép thì sao? Mình sẽ nhắn với nó: “Tao biết mày đang cố gắng bảo vệ tao khỏi những thất bại và hiểm nguy. Không sao đâu, tao rất ổn, mày không cần phải làm vậy nữa”.
Cuối cùng, khi tự giao tiếp với bản thân để buông bỏ một gánh nặng lòng, mình thường gắn việc buông bỏ với một hình ảnh giải phóng. Lần này cũng vậy, khi nghĩ về việc buông bỏ thói quen thúc ép, trong đầu mình hiện lên hình ảnh của một dòng chảy, thả lỏng và trôi xuôi, tự nhiên như nó vốn là. Hình dung vậy, lòng mình nhẹ nhõm hơn. Và mình cũng sẽ tự nhắc nhở bản thân về hình ảnh dòng nước thả trôi mỗi khi thói quen “thúc ép" quay trở lại. Còn bạn, hình ảnh gắn với việc giải phóng khỏi thói quen cũ của bạn sẽ là gì?
KẾT
Buông bỏ những thói quen cũ không phải điều dễ dàng, nhưng nếu không thay đổi, thì chúng ta vẫn sẽ cứ mắc kẹt với con người cũ, kìm chân mình trong những điều không còn phù hợp nữa. Những thói quen cũ không còn phục vụ chúng ta nữa, hãy để nó ra đi - để nó trôi đi như một dòng chảy.
Vậy nếu nó vẫn quay lại với chúng ta vào một ngày nào đó? Không sao hết. Chẳng có gì sai trái ở đây cả. Hãy cứ ghi nhận nó, và rồi lại để nó trôi đi.
Let it go, let it flow.