LÀM GÌ KHI CHẲNG MUỐN LÀM GÌ?

Sẽ có những ngày, ta chẳng muốn làm gì hết. Lưng ta dính chặt lấy chiếc đệm, tay lướt điện thoại hết giờ này sang giờ khác, ôm lấy đống đồ ăn vặt và cày phim. Tâm trí ta gào thét nhắc ta về những nhiều điều phải làm, những deadline đang chờ, còn cảm xúc ta chìm nghỉm trong sự dằn vặt và cảm giác thất bại… Nhưng, tất cả vẫn không đủ để ta có động lực để đứng dậy và làm những công việc có ích hơn.

Tôi cũng có những tháng ngày trượt dài trong sự lười biếng và nản chí. Tôi chỉ muốn được chơi, được nuông chiều bản thân, được giải trí… nhưng đồng thời khi làm những việc ấy, tôi lại chẳng thấy vui hơn chút nào. Sự kỉ luật chỉ giúp tôi thay đổi được mấy ngày rồi đâu lại vào đấy, còn động lực thì đã mất tăm mất tích.

Vậy phải làm gì khi chẳng muốn làm gì hết?

May mắn thay trong những ngày “đóng băng" trì trệ, tôi vẫn còn giữ được sở thích nghiên cứu, tìm tòi kiến thức (đó là sở thích lớn lao đến nỗi chưa bao giờ bị dập tắt trong suốt thời thơ bé đến hành trình trưởng thành của tôi). Tôi tìm hiểu và đón nhận được kiến thức rằng trạng thái tôi đang trải qua không phải là lười biếng, mà là trạng thái “sinh tồn" (survival mode). Đó là khi não bộ của ta đã quá tải (có thể là kết quả của stress, đau buồn hoặc kiệt sức kéo dài), nó sẽ tắt tất cả các quá trình không cần thiết của cơ thể, tâm trí và chuyển sang chế độ sinh tồn. Cũng như chiếc smartphone sắp hết pin và tự động chuyển sang chế độ tiết kiệm pin vậy.

Thế là tôi dành chút thời gian để nhìn lại hành trình nỗ lực đến vắt kiệt sự hứng khởi và động lực của bản thân trong thời gian qua. Tôi cứ cúi đầu và bước tiếp, chưa bao giờ dừng lại và ngắm nhìn thành quả. Tôi chỉ thấy tôi thật thua kém với người khác, tôi đi chậm quá, những gì tôi đạt được thật nhỏ bé làm sao. Kể cả khi tôi dành thời gian cho bản thân, tôi vẫn nghĩ ngợi về những điều mình phải làm tốt hơn. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng, bản thân cần phải chúc mừng những bước nhỏ bé mình đã đi qua và chia sẻ những điều khiến mình tự hào với gia đình và bè bạn. Bởi sau khi lao động, tâm hồn tôi cũng cần được hoan ca và ghi nhận.

Thế phải làm gì khi không muốn là gì cả đây? Hãy chẳng làm gì hết. Đôi khi đó là dấu hiệu cơ thể báo với bạn rằng, bạn đã thực sự mệt rồi. Vậy thì hãy ngồi xuống cùng chính bản thân mình, trọn vẹn hiện diện, chỉ có bạn với bạn mà thôi; để ôm lấy cơ thể mà ghi nhận rằng: “Tao biết thời gian qua mày đã cố gắng rất nhiều, và tao ở đây để cùng nhau chúc mừng chặng đường vừa qua của chúng ta”. Hãy buông bỏ những lo lắng, những dằn vặt để cho phép bản thân được tận hưởng khoảng khắc không làm gì hết lúc này. Bạn có thể thử viết nhật kí, lắng nghe xem mình đang cảm thấy thế nào và có nhu cầu thực sự gì? Sau khi đã tự đáp ứng những cảm xúc và nhu cầu bị dồn nén bấy lâu, đó cũng là lúc bạn được nạp lại năng lượng và tràn đầy động lực hơn bao giờ hết.

Rồi bạn tiếp tục dấn thân, dội ngược những cơn sóng thử thách, miệt mài và can đảm. Có thể, ngày mai bạn lại rơi vào trạng thái chán nản và trì trệ, nhưng bạn biết rằng lần này sẽ khác. Vì bạn đã thấu hiểu bản thân hơn, chủ động thương lấy chính mình, và cho phép trạng thái này đi qua sớm thôi.

Để ngày kia khi thức giấc, bạn lại trở về với con người đầy năng lượng, hít một hơi thật sâu, mỉm cười biết rằng ngày hôm nay bạn sẽ làm được thật nhiều điều có ích với sự đồng hành của niềm hoan ca.

By Thanh Alice.

Nguồn tham khảo:

Rosenthal, M. (2020, June 25). The Science Behind PTSD Symptoms: How Trauma Changes The Brain. Boston Clinical Trials.

Understanding the stress response. (2018). Harvard Health Publishing.

 
 
Previous
Previous

TÔI TỪNG SỢ CON NGƯỜI

Next
Next

NGÀN DẶM YÊU XA