VẺ ĐẸP RIÊNG BIỆT CỦA NỖI BUỒN
Tương tự như bóng tối trong đêm trăng, nỗi buồn cũng đẹp như một bài thơ.
Thật khó có thể miêu tả bằng lời sức hút của bức tranh cổ điển trong bảo tàng về những gương mặt không cười, đắm chìm trong suy tư, nỗi buồn phiền và dường như đang lạc vào màn độc thoại nội tâm giữa nỗi đau và sự mất mát của riêng họ. Chúng có thể níu chặt ánh mắt chiêm ngưỡng của chúng ta vào miền bất tận. Khi nhìn vào những gương mặt của nỗi buồn đó, ta thấy sự đồng điệu cảm xúc và tâm hồn ta ngay lập tức dịu êm. Và đó chính là vẻ đẹp không tên của nỗi buồn.
Ngày nay, chúng ta ưa thích những cảm xúc tích cực và theo đuổi hạnh phúc như một đích đến. Khi được hỏi han, ta thường treo lên một nụ cười và nói mình rất ổn. Ở nhiều môi trường làm việc, nhân viên được yêu cầu phải luôn vui tươi và tràn đầy năng lượng. Trong một thời đại văn hoá thiên về sự tích cực, áp lực phải đè nén và nguỵ trang những mặt tối của cảm xúc là có thật. Nhưng đó đâu phải cách vận hành của cuộc sống, rằng xung quanh ta chỉ có niềm vui? Chúng ta đang có nguy cơ đánh mất năng lực chấp nhận những nỗi buồn và thấu hiểu vẻ đẹp của nó như một phần tất yếu của thực tại.
Đáng ngạc nhiên nhưng cũng hiển nhiên, đằng sau nỗi buồn là những điều đẹp đẽ. Chúng ta tìm thấy sự kết nối chặt chẽ từ khả năng sẻ chia nỗi buồn, niềm đau và sự u sầu. Khi đi qua nỗi buồn, ta thấy bản thân được chữa lành, bình an, dũng cảm và biết yêu thương hơn. Nỗi buồn cũng cần thiết với cuộc sống này để ta có thể hiểu và cảm nhận hạnh phúc. Giống như bóng tối đối với ánh sáng, âm với dương hoặc hai mặt của đồng xu, thiếu đi một phần của nỗi buồn, những phần còn lại của cuộc sống sẽ chẳng còn được hiển lộ.
Tôi thấy nỗi buồn đôi khi thật đẹp, đẹp một vẻ riêng biệt. Nỗi buồn không dữ dội như sự u uất và trầm cảm, nó như cơn sóng khởi nguồn bình lặng. Nhưng chỉ cần ta phớt lờ và đè nén nó, nó có thể trở nên nghiêm trọng hơn, cuộn trào và xé toạc lồng ngực ta. Nhà thơ Rumi từng ví những cảm xúc như vị khách không báo trước. Chúng có thể gõ của tâm trí ta bất cứ lúc nào, và ta nên chào đón chúng, khiến chúng cười vang và rời đi. Nhưng hãy xem những gì ta đã làm với nỗi buồn, sự giận dữ và u uất? Chúng ta giả vờ như chẳng thấy, phớt lờ, che giấu và chôn vùi chúng xuống thật sâu trong đáy lòng. Để rồi chúng phải dùng dằng gõ cửa thật lâu trong vô vọng và làm phiền ta mãi đến khi ta chẳng thể chịu nổi nữa. Đến lúc đấy ta mới bàng hoàng nhận ra: bản thân đã không còn kiếm soát được nỗi buồn nữa.
Nhưng ngay từ giây phút ban đầu, nỗi buồn đâu có đáng sợ đến vậy? Nó đâu phải một con quái vật nơi cửa nhà hay một cơn sóng thần gào thét? Nó chỉ là một người khách ghé nhà cần được bạn vỗ về quan tâm, một làn sóng lăn tăn bình lặng mà đẹp đẽ. Nỗi buồn cũng như niềm hạnh phúc, hay bất kì cảm xúc nào trong chúng ta, đều là không vĩnh cửu. Sẽ chẳng có trạng thái cảm xúc nào là tồn tại mãi mãi. Chúng bất chợt đến và rồi lại bất chợt đi, biến mất nhanh chóng và cũng quay trở lại nhanh chóng; như một lát cắt, một ánh chớp vụt qua của cuộc sống. Một cảm xúc có thể hờ hững mà cũng mạnh mẽ đến vô cùng, nó có thể bẻ lái lí trí, tạo nên những kí ức lâu dài hoặc những mối gắn kết khăng khít. Nhưng, nó tuyệt nhiên không ở lại mãi, luôn luôn là vậy. Đó là bản chất của cảm xúc con người. Vậy nên, thay vì đè nén nó thành những cơn sóng u uất, hãy học cách chấp nhận nó và để nó ra đi.
Vào năm 2017, một nghiên cứu được xuất bản trên trang báo khoa học Nhân Cách và Tâm Lý Xã Hội (Journal of Personality and Social Psychology) chỉ ra rằng: Chấp Nhận (Acceptance) những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có lợi ích cho sức khoẻ tinh thần. Theo bài báo cáo, điều kỳ diệu của sự chấp nhận những góc tối cảm xúc nằm ở chỗ nó có tác dụng giảm bớt phản ứng cảm xúc trước những sự kiện căng thẳng. Theo thời gian, cơ chế đó có thể dẫn đến sức khỏe tâm lý tích cực, bao gồm mức độ hài lòng cao hơn trong cuộc sống. Nhưng chấp nhận không có nghĩa đầu hàng cam chịu trong những tình huống tiêu cực và thả trôi bản thân đắm chìm trong nỗi buồn đau. Chấp nhận là để vị khách cảm xúc được an ủi, lắng nghe, và rời đi trong sự bình yên. Theo liệu pháp Acceptance and Commitment Therapy (ACT) - liệu pháp tâm lý giúp bạn chấp nhận những khó khăn xảy ra trong cuộc sống, một số chiến lược chấp nhận bao gồm:
1. Để cảm xúc hoặc suy nghĩ xảy ra mà không cố gắng kiềm hãm chúng.
2. Quan sát điểm yếu nhưng ghi nhận điểm mạnh của bạn.
3. Cho phép bản thân không hoàn hảo.
4. Thừa nhận khó khăn trong cuộc sống của bạn mà không trốn chạy hoặc né tránh nó.
5. Nhận ra rằng bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng, suy nghĩ và cảm nhận.
Nếu bạn đang trải nghiệm những cảm xúc thật tệ và thấy chán nản với tình trạng hiện tại, hãy nhớ rằng cảm xúc này sẽ không ở với bạn mãi đâu. Nó sẽ đến và rồi lại đi như đám mây xám xịt và những cơn mưa, bởi đó là quy luật tất yếu của cảm xúc con người. Hạnh phúc cũng vậy, niềm đau cũng thế, sẽ chẳng có gì là vĩnh cửu. Hành trình theo đuổi hạnh phúc dài lâu chỉ là một ảo cảnh không thật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ: Không có con đường nào dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Cảm xúc tích cực hay tiêu cực, không phải để trở thành mục tiêu cho cuộc sống, mà là để được tận hưởng trên hành trình ta sống trong đời. Hãy lắng nghe, ghi nhận và vỗ về những cảm xúc buồn phiền nhất, để thấy chúng cũng đẹp như một phần không thể thiếu của thực tại.
By Thanh Alice
Nguồn tham khảo:
Ford, B. Q., Lam, P., John, O. P., & Mauss, I. B. (2018). The psychological health benefits of accepting negative emotions and thoughts: Laboratory, diary, and longitudinal evidence. Journal of Personality and Social Psychology, 115 (6), 1075–1092.