TRAP BOY, TRAP GIRL, GHOSTING - KẺ CHẠY TRỐN NHỮNG CUỘC TÌNH

Có một thứ kì diệu như kì tích vậy, đó là tình yêu.

Trên thế gian này có 7 tỷ người. Giữa vô vàn gương mặt lạ quen, tìm được người mình thương mà người ta cũng thương mình đâu phải dễ dàng? Nhiều khi, ta thương người mà người chẳng thương ta. Nhiều khi người thương ta mà ta chẳng đoái hoài rung động. Xác suất nhỏ như vậy, đi kèm nỗi sợ cũng lớn lao.

Chúng ta sợ yêu cũng nhiều như chúng ta khao khát yêu.

Nhiều năm trước khi còn độc thân, tôi và cô bạn thân rủ nhau xem một bộ phim điện ảnh đang gây tiếng vang lớn: “Đập Cánh Giữa Không Trung”. Tôi xem mà thấy phụ nữ khổ vì yêu quá. Phim có một câu thoại thế này:

- Đừng yêu đàn ông quá, đừng để người ta sợ mình.

Lúc ấy tôi nghiền ngẫm một hồi mà đồng tình. Đúng hơn là phần bất an và lo âu bị bỏ rơi trong tôi đồng tình. Như một hình thức tự vệ của trái tim, tôi hầu như chẳng bao giờ chủ động trao đi tình cảm chân thật và hết lòng.

Có lần tôi và anh này quen nhau tại một quán bar. Ấn tượng của tôi về anh là anh hay cười và dễ mến. Từ những câu nói chuyện đầu, anh hóm hỉnh đoán tôi là cung Thiên Bình. Và anh đã đúng. Sau đó chúng tôi trao đổi phương thức liên lạc, anh rủ tôi đi cafe đôi ba lần thì tôi cũng đồng ý. Anh nhẹ nhàng, tinh tế và hiểu lòng người, ở bên cạnh anh khiến tôi dễ chịu. Có những lúc chúng tôi nói chuyện qua zalo đến 2-3 giờ sáng. Phải thú thật, tôi khá tận hưởng những trải nghiệm này.

Rồi đến một ngày anh tỏ tình với tôi và ngỏ ý muốn có một mối quan hệ chính thức. Tôi bỗng thấy mọi cảm xúc trong tôi trở nên lạt lẽo vô vị. Tôi thấy anh thật chán. Tôi nghĩ: Trò chơi kết thúc rồi. Và tôi từ chối anh. Tôi vẫn còn nhớ rõ anh đã sốc thế nào. Anh bảo: Anh cứ ngỡ rằng tôi cũng có tình cảm tương tự.

Tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ biết rằng, trong giây phút anh muốn có một mối quan hệ rõ ràng, tôi thấy anh phiền toái và chán ngắt; dù mới trước đấy thôi, tôi vẫn yêu thích nụ cười của anh.

Và đó không phải là lần đầu tiên cảm xúc của tôi dành cho một ai kia bị dập tắt khi họ muốn tiến xa hơn trong tình cảm. Tôi tận hưởng hơn những mối quan hệ không tên, yêu thích cách người ta sa vào lưới tình của tôi và trao cho tôi sự quan tâm. Nhưng ngay sau khi họ muốn tiến gần hơn với tôi thì tôi lập tức bỏ rơi họ. Thời chưa hiểu chuyện, tôi nghĩ rằng tôi vô cảm. Sau này thì tôi biết, tôi là kẻ chạy trốn những cuộc tình. Nỗi sợ phải gắn kết khiến tôi biến mất khỏi cuộc đời những người thương tôi.

Thời đại này, mọi người sẽ thấy quen thuộc hơn với những thuật ngữ “goshting" (đại loại chỉ hành vi “dứt áo ra đi", bơ toàn tập trong mối quan hệ lãng mạn mà không một lời giải thích), hoặc “trap boy", “trap girl" (những người chinh phục tình cảm như một thú vui). Nói một cách công bằng, nếu chục năm trước có những thuật ngữ này, chắc những dán mác này sẽ dành tặng cho tôi. Nhưng tôi cũng xin tự bào chữa rằng, tôi thương mến và trân trọng thật lòng những người đến với tôi. Tôi cũng không phải một kẻ bại hoại về đạo đức hay một người cố tình muốn thương tổn một ai đó.

Vậy tại sao một người lại có hành vi trốn chạy và chơi đùa cùng tình yêu?

Như một lẽ hiển nhiên - một bản năng của nhân loại, chúng ta luôn kiếm tìm sự kết nối và các mối quan hệ. Ngay cả những người cô lập, xa lánh nhất cũng cần sự gắn bó với con người. Đó là lý do tại sao biệt giam là một hình thức tra tấn thành công đến vậy. Chúng ta, dù ít dù nhiều, luôn khát khao tình yêu, sự hỗ trợ và vỗ về từ người khác. Theo nhà tâm lý học Roy Baumeister, nhu cầu “cảm thấy thuộc về" là một trong những động lực chính thúc đẩy mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được sinh ra và lớn lên với cảm giác gắn bó mà mình cần. Theo nhà phân tâm học John Bowlby, mục tiêu chính của một đứa trẻ là duy trì sự gần gũi với cha mẹ nó, bởi vậy, nó sẽ quan sát cha mẹ để tìm ra chiến lược nào cho phép nó được gắn kết với họ. Và đó cũng chính là nền tảng cho cách chúng ta điều hướng các mối quan hệ trong suốt cuộc đời.

Được sáng lập bởi nhà phân tâm học John Bowlby vào những năm 1950 và được mở rộng bởi Mary Ainsworth, Thuyết Gắn Bó (Attachment Theory) chỉ ra mối quan hệ của một người với cha mẹ của họ trong thời thơ ấu có ảnh hưởng bao quát đến các mối quan hệ xã hội, yêu đương và thậm chí cả các mối quan hệ tại nơi làm việc trong tương lai.

Thuyết gắn bó cho rằng có bốn loại gắn bó khác nhau:

- Gắn bó an toàn (Secure attachment)
- Gắn bó lo âu (Anxious/Ambivalent attachment)
- Gắn bó né tránh (Avoidant attachment)
- Gắn bó lo âu-né tránh (Anxious-avoidant/ Disorganized attachment)

Gắn bó lo âu, né tránh hoặc cả kết hợp hai được coi là những loại gắn bó không an toàn.

Nếu đứa trẻ có thể luôn dựa vào cha mẹ để đáp ứng các nhu cầu của chúng khi lớn lên, chúng có khả năng phát triển loại gắn bó an toàn. Họ sẽ coi các mối quan hệ là một không gian an toàn, nơi họ có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình.

Mặt khác, loại gắn bó không an toàn phát triển nếu một đứa trẻ có mối quan hệ căng thẳng với cha mẹ chúng. Điều này xảy ra khi đứa trẻ học được rằng chúng không thể dựa vào người khác để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và sự thoải mái.

Vậy phải chăng, những người trốn tránh yêu đương và sự gắn kết có thể đã trải qua tuổi thơ bị bỏ rơi, bị đối xử lạnh nhạt và bất an thường trực, hoặc có thể chính họ cũng có những tổn thương mà sự gắn kết mang lại. Hệ quả là, họ lo âu và né tránh sự gắn kết.

Vậy phải chăng, những kẻ chạy trốn cuộc tình, những người chuyên đi “sưu tầm" trái tim người khác đã học được trong tuổi thơ của họ rằng: họ không đủ tốt, họ không xứng đáng được yêu thương, họ phải chiến đấu để có được sự quan tâm, họ không tin vào một mối quan hệ bền vững… Những tổn thương trong quá khứ khiến họ lo âu bị bỏ rơi, né tránh tình cảm và che giấu hoặc kìm nén những cảm xúc của mình. Săn đuổi và chơi đùa với tình cảm là cách họ lấp đầy trái tim thiếu thốn tình yêu thương và giành lại sự tự tin của một tuổi thơ bị hờ hững. Họ chạy trốn mỗi khi ai đó muốn tiến gần hơn bởi họ lo sợ một kết thúc không có hậu nơi họ không được yêu thương. Chỉ bằng cách đó, họ sẽ không còn bị tổn thương nữa. [Lưu ý: tôi chỉ đang đưa ra một góc nhìn khác, chứ không đánh đồng tất cả trường hợp đều như vậy.]

Là một nhà khai vấn, tôi nhiều lần gặp những khách hàng thân yêu là nạn nhân của “ghosting” và bẫy tình yêu. Họ tổn thương đến giận dữ, dành thật nhiều lời mắng tệ hại tới kẻ kia. Tôi biết, họ sẽ chẳng thể chữa lành và bước qua được tổn thương của tình yêu nếu còn giữ trong lòng sự thù ghét và tự trách cứ. Vậy nên, tôi thường sẽ kể cho họ câu chuyện của tôi, để họ thấy rằng, những kẻ chạy trốn cuộc tình hoặc đi “sưu tập” trái tim đáng trách, nhưng cũng đáng thương.

Tôi còn nhớ, ngày em trai tôi sinh ra đời, các cô bác họ hàng hay hàng xóm thường nói với tôi:

- Bố mẹ có con trai rồi, mày ra rìa nhé!

- Có phải tối cháu ngủ gầm giường không? Không cái gì? Chỉ em trai được ngủ trên giường thôi, làm gì còn chỗ!

Vân vân và mây mây. Những lời nói trêu đùa vô thưởng vô phạt đó đã in sâu vào trong tôi nỗi sợ hãi và bất an. Tôi ngây ngô bắt đầu tranh giành tình cảm của bố mẹ, bày ra những trò thật ngỗ nghịch để được bố mẹ quan tâm. Trớ trêu thay, bố mẹ ít khi bênh vực và thể hiện tình cảm mà tôi mong đợi. Bố mẹ bảo: Con lớn hơn, phải nhường em chứ!

Thế là tôi tin rằng tôi không được yêu thương thật. Đồng thời, tôi nghĩ tôi phải cố gắng để có được tình yêu.

Đứa trẻ năm đó lớn lên với sự nỗ lực thay đổi bản thân và ganh đua sự chú tâm của mọi người. Cô ấy ít khi là chính mình, cô ấy phải luôn thể hiện một bản thể thật khác, nghĩ rằng là chính mình sẽ không xứng đáng được yêu thương đâu.

Câu chuyện của tôi, chắc hẳn ít nhiều bạn sẽ thấy quen thuộc. Bởi có mấy ai trong chúng ta cảm thấy thật an toàn, thoải mái và sẵn sàng trao hết lòng trong mối quan hệ yêu đương? Chúng ta, dù ít dù nhiều, lớn lên với những nhu cầu bị phớt lờ, và những vết thương chưa lành. Nhưng bạn đừng trách bậc làm cha làm mẹ, vì họ chẳng hề được trang bị những gì cần thiết để ôm ấp tuổi thơ của bạn. Một vị thiền sư nào đó từng nói rằng, nếu trong tay cha mẹ có hoa, thì họ sẽ trao cho mình hoa. Nhưng bởi trong tay họ chỉ có sỏi đá, nên họ cũng chỉ có thể trao đi sỏi đá. Họ đã trao tặng bạn tất cả những gì họ có rồi. Và rằng chính họ cũng đang loay hoay với những thương tổn của riêng họ. Bằng cách nhận diện ra vòng lặp mối quan hệ của mình, nhìn thấy được loại “gắn bó” của bản thân và thấu hiểu những thương tổn, bạn đang từng bước tự chữa lành cho chính mình và cả cho cha mẹ.

Qua bài viết này, tôi muốn gửi gắm hai thông điệp:

- Những kẻ chạy trốn cuộc tình, đáng trách nhưng cũng đáng thương. Nếu bạn gặp gỡ họ, hãy bao dung họ một chút. Nếu bạn có thể yêu họ một cách vô điều kiện, hãy cố gắng khiến họ cảm thấy an tâm. Nếu không, cũng không sao hết. Bởi chữa lành cho một ai đó không phải trách nhiệm của bạn. Chỉ là, xin đừng đối xử thậm tệ với họ, và hãy nhắc nhở họ rằng: Họ xứng đáng được yêu thương.

- Tuổi thơ của những đứa trẻ không thể lấy lại, nó mong manh và dễ thương tổn. Vậy nên những bậc làm cha làm mẹ hãy học cách thể hiện tình cảm với con cái, thay vì để chúng lầm tưởng rằng chúng không được yêu thương. Và những người lớn, xin hãy cẩn trọng lời nói của mình với trẻ con. Bạn sẽ không bao giờ biết được tổn thương lớn lao bạn có thể mang lại chỉ bởi một lời nói vô tâm.

Cuối cùng, gửi bạn, kẻ chạy trốn những cuộc tình:

Đừng sợ, tình yêu có thể làm bạn đau, nhưng nó luôn xứng đáng. Ta có thể sợ món súp lơ mà không ăn nó, nhưng nào có thể vì sợ yêu mà cả đời không yêu? Mình hứa đấy, quá khứ đã qua rồi, tương lai sẽ mang một màu trời khác. Bởi quá khứ của bạn sẽ không bao giờ định nghĩa hiện tại và tương lai của bạn, không bao giờ. Và rằng, bạn xứng đáng với tất cả điều tuyệt diệu nhất của thế gian này.

Remember, you deserve the world.

By Thanh Alice

#ThanhAlice

Nguồn Tham Khảo:

[1] Buescher, L. (2022, July 15). Attachment styles and their role in adult relationships. Attachment Project.

[2] Dodgson, L. (2018, June 13). These are the 3 types of attachment styles — and how each affects your relationships. Insider.

[3] Kendra, C. (2006, February 6). What you should know about attachment styles. Verywell Mind.

[4] Mandriota, M. (n.d.). 4 types of attachment: What's your style? Psych Central.

[5] Manson, M. (2021, January 13). Attachment theory. Mark Manson.

 
 
Previous
Previous

MỘT TẾ BÀO TÍNH NỮ

Next
Next

CHỌN LÀM NGƯỜI BÌNH THƯỜNG, ĐƯỢC KHÔNG?