SỐNG KHÁC BIỆT GIỮA DÒNG NGƯỜI ĐÔNG ĐÚC

 

Đó là một buổi tối khá thư giãn và thảnh thơi, mình đặt lưng nằm dài trên giường mềm mại, dưới ánh đèn ngủ vàng dịu nhẹ; trong khi đôi mắt thì lại nhìn chăm chăm vào tấm rèm nơi khung cửa sổ. Bên tai mình là tiếng cười nói của cô bạn thân đã lâu ngày không gặp phát ra từ cuộc gọi messenger nhưng mình không tài nào để tâm được nhiều. Bên trong bộ não nhỏ bé của mình còn đang mải vận động hồi tưởng về một sự việc trong quá khứ.

Vài phút trước, cô bạn thân vừa kể rằng đã tình cờ gặp mình ở quán Starbuck trong một lần về Hải Phòng công tác. Cô ấy thấy mình cúi mặt đi lướt qua cửa thật nhanh, tay cầm cuốn sách, một mình, không nhìn ai, và cũng không để tâm thấy cô ấy cũng đang đứng ở cửa. Mình thậm chí còn lách người qua để tránh cô ấy, thế là cô bạn cũng không dám cất tiếng gọi mình.

Bỗng nhiên mình thấy thật ngại ngùng. Ngay lập tức, mình cố vắt óc nhớ lại những lần mình đi Starbuck một mình để mong tìm lại chút ấn tượng về sự việc cô bạn thân kể. Đâu đó bên trong bản thân bắt mình lên tiếng biện bạch:

- "Không phải đâu! Chắc mày nhận nhầm người."

Nhưng cô bạn thân lại cam đoan làm mình càng thấy ngượng. Bên trong mình thì vẫn cứ đấu tranh:

Sao mình có thể làm như thế được?
Mình có mấy khi đi cafe một mình đâu?
Sao mình lại cứ vừa đi vừa cúi mặt xuống thế nhỉ?
Không biết lúc ấy mình mặc gì, trông có "ngu si" không?

Phải mất một lúc, tiếng nói chuyện của cô bạn thân mới kéo mình về thực tại. Mình đành đầu hàng: chắc là vậy rồi, vì mình đi đường chả muốn nhìn ai bao giờ. Mình buông tha cho những truy vấn, những cảm xúc ngượng ngập và thả lỏng hơn với một nụ cười.

Uh, mình là vậy mà, luôn cắm mặt xuống đất. Dáng vẻ ấy có thể không xinh, nhưng đó đúng là mình - một cô gái hướng nội.

Khi cả thế giới xung quanh mình tỏ ra là những người hoà đồng, hướng ngoại, mình bỗng thấy bản thân như một kẻ ngoại đạo, một cánh chim lạc bầy co ro và đáng ngại. Dù đã biết yêu thương và ôm ấp những điều khác biệt của bản thân, nhưng đôi khi, chỉ là đôi khi thôi, mình vẫn vô tình thấy xấu hổ và muốn chối bỏ phần khác người ấy.

SỰ TRỪNG PHẠT CỦA KHÁC BIỆT

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng không dưới một lần nghĩ thầm muốn giống người này người kia. Một điều kì lạ là trong khi ta luôn có xu hướng yêu thích sự khác biệt, nhưng đâu đó bên trong ta lại kéo ta đến lãnh địa của những điều "giống người". Mình không biết lí do của sự trái ngược này là gì, nhưng mình tin rằng, để có thể bước ra khỏi thế giới của những điều "giống nhau" và "bình thường"; để nắm lấy giá trị riêng, thiên hướng riêng và sự độc đáo của riêng bản thân cần một trái tim dũng cảm. Tại sao ư? Bởi trở nên khác biệt luôn đi kèm với một cái giá.

Hồi lớp 3, trong lớp đội tuyển Văn, có lần mình đứng lên trước lớp thưa với cô rằng mình không nhìn rõ bảng. Hình ảnh sau đó vẫn còn in sâu trong tâm trí mình: cô giáo nhấc mắt lên khỏi tập tài liệu, tháo ra đôi kính đang đeo để nhìn thẳng vào mình với ánh mắt hằn học và khó chịu. Cô nói:

- "Em không học được thì ra khỏi đội tuyển, đừng làm phiền các bạn."

Xung quanh mình là rất nhiều chiếc đầu đang cúi gằm của các bạn cùng lớp, im lặng, đều tăm tắp, giống hệt nhau. Thế là mình đành ngồi xuống trong ngẩn ngơ và xấu hổ, và mình cũng bắt đầu cúi đầu, im lặng. Đó là kí ức xa nhất mình còn nhớ được về việc đứng lên khỏi đám đông và cất tiếng nói của chính mình. Sau này, vẫn còn nhiều những sự kiện không mấy vui vẻ khác khiến mình ngại ngần việc bước ra ngoài vòng tròn an toàn; nhưng có lẽ kí ức tuổi thơ ấu đó đã hằn trong mình nỗi sợ đầu tiên về cái giá của sự khác biệt.

TỪ SỰ KHÁC BIỆT CHO TỚI ĐỘNG LỰC NỘI TẠI


Nhưng những sự trừng phạt đó chỉ làm mình thấy ngại ngần và sự sệt bước ra khỏi đám đông, chứ chưa bao giờ thay đổi được sức hấp dẫn của việc trở nên khác biệt. Nó giống như việc nhân vật chính trong các bộ phim sợ hãi khi đứng trước chiếc hang tối om dẫn tới vô định nhưng lại luôn bị thôi thúc mời gọi bước vào để khám phá vậy.

Gần đây, mình có đọc cuốn sách Mastery của Robert Greene và rất thích câu chuyện về giáo sư thần kinh học Ramachandran. Từ nhỏ ông đam mê sưu tầm vỏ sò ốc biển và bị cuốn hút bởi sự lạ lùng hiếm gặp của chúng. Dù theo năm tháng, cha ông, hay đại học Cambridge và những cơ hội, những cất nhắc đặt vào tay ông vô vàn những hướng đi, những lĩnh vực khác nhau; nhưng trong ông luôn cảm thấy không phù hợp, bứt rứt… Sau nhiều năm trôi dạt từ chủ đề này đến chủ đề khác, ông bị thu hút bởi hiện tượng “CHI MA” - một hiện tượng bất thường khi người bị cụt cẳng tay hoặc chân nhưng vẫn thấy đau đớn ở chỗ chi cụt. Dù chỉ là một đứa trẻ đam mê nhặt những vỏ sò độc nhất vô nhị hay là khi đã trở thành một giáo sư lừng danh chuyên nghiên cứu về những hiện tượng hiếm gặp, thì những tiếng gọi bên trong luôn hướng ông về những điều KHÁC BIỆT.

Mình kể với các bạn câu chuyện của Ramachandran bởi sự thú vị trong nhân duyên ở đây. Các bạn biết không, khi đọc đến hiện tượng CHI MA, trong mình bỗng thấy ngờ ngợ và quen thuộc. Mình lập tức Google và nhận ra đó là cuốn sách “Phantoms In The Brain” của chính Ramachandran mà mình đã tải hơn bốn năm rưỡi trước. Một cuốn sách nặng về Y khoa và Thần kinh học, không hề liên quan đến lĩnh vực giáo dục của mình, nhưng mình đã tải về để làm gì?

Đó là vào năm 2017, để làm luận văn thạc sĩ thì mình có tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu qualitative research và tìm thấy cuốn này. Khi ấy, đa số các nhà khoa học không chuộng phương pháp này nên thật không dễ để tìm thấy một nền tảng nghiên cứu tương tự với luận văn của mình. Và cuốn sách “Phantoms In The Brain” là một ví dụ hiếm hoi mình tìm thấy. Thì ra, mình đã gặp gỡ Ramachandran ở thiên hướng yêu thích sự khác biệt như vậy.

Thì ra, dù có thật nhiều trải nghiệm không vui với việc bước ra khỏi đám đông thì con tim mình vẫn luôn đưa mình về với tiếng nói cá nhân, của thiên hướng riêng và giá trị của riêng mình.

Quá trình nhiều năm làm nghiên cứu và làm giảng viên đã dạy mình rằng, động lực mạnh mẽ nhất không đến từ những yếu tố bên ngoài mà đến từ định danh cá nhân, cách mình nhìn nhận bản thân mình là ai trong cuộc đời này. Chính vì mình định danh mình là một giáo viên quan tâm đến sự khác biệt của người học, nên dù đề tài nghiên cứu bị từ chối nhiều lần do không gặp gỡ được tiếng nói chung thì mình vẫn có động lực để làm đến cùng và đạt điểm cao nhất trong hội đồng. Khi sinh viên khiếm thị của mình thấy em ấy là một người học ngôn ngữ để trao lại giá trị và giúp đỡ cho cộng đồng khuyết tật; thì dù việc học tập ở đại học với một người khiếm thị khó khăn như nào em vẫn có thể vượt qua xuất sắc.

Bởi vậy, mình không bao giờ nhìn thấy những học sinh cá biệt và ngỗ nghịch, mình chỉ nhìn thấy những con người đặc biệt với những món quà độc nhất vô nhị nằm trong DNA. Khi mình chỉ ra cho các em ấy sự đặc biệt trong chúng, thì một động lực nội tại bắt đầu trỗi dậy và đưa các em đến sự chuyển hoá và phát triển. Đó là một cậu học sinh ngọng cả tiếng mẹ đẻ nhưng có tài trong việc mở rộng vốn từ tiếng Anh của bản thân. Đó là một cô bé hay khóc và dễ phản ứng thái quá với cảm xúc nhưng có thể sử dụng chính điều được mọi người cho là "khiếm khuyết" đó để trở thành một người kết nối và trung hoà tinh thần lớp học.

Mỗi chúng ta đều được sinh ra với một bộ DNA độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử và cũng sẽ không trùng lặp trong tương lai. Chúng ta là hiện tượng chỉ đến một lần trong vũ trụ. Đó chính là một món quà, thiên hướng, tài năng đặc biệt mà ta có thể mang lại giá trị cho cuộc đời này. Tất cả chỉ đợi chúng ta lắng nghe, ghi nhận và cho phép bản thân buông xuôi theo sự KHÁC BIỆT - THIÊN HƯỚNG đấy để phát triển đến tận cùng.

LẮNG NGHE SỰ KHÁC BIỆT ĐỂ TÌM THẤY SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI

Vậy sự khác biệt của bạn là gì? Những thiên hướng đặc biệt gì được thể hiện từ thời thơ ấu? Cậu bé Ramachandran thì đam mê nhặt những vỏ sò. Cậu bé Leonardo Da Vinci yêu thích khám phá thế giới tự nhiên quanh làng mình và tái hiện lại sống động trên giấy theo cách của riêng mình. Cô bé Marie Curie say sưa ngắm nhìn những dụng cụ thí nghiệm của cha. Cậu bé Einstein thích suy nghĩ bằng hình ảnh và tưởng tượng hơn lời nói. Và cô bé Thanh thì ngưỡng mộ mê mẩn những sự đặc biệt.

Đây là một vài câu hỏi gợi ý có thể giúp bạn tìm ra "manh mối" về thiên hướng của bản thân:


- Ước mơ hồi bé của bạn là gì?
- Khi làm điều gì khiến bạn vui như một đứa trẻ và quên mất khái niệm thời gian?
- Những người xung quanh nói bạn có biệt tài gì?
- Mọi người hay tìm đến bạn trợ giúp về điều gì?


Bạn cũng có thể inbox mình để mình gửi bạn bộ bài tập để tìm ra thiên hướng của bản thân nhé. Câu trả lời có thể chưa đến ngay, nhưng bạn đừng lo, hãy cứ mở lòng với câu hỏi. Giống như việc khi bạn muốn mua xe Mercedes và tự dưng thấy trên facebook thật nhiều thông tin liên quan và dễ bắt gặp trên đường những chếc xe Mercedes vậy. Hãy hỏi, và bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Và dù bạn chưa tìm ra được sự khác biệt của bản thân, hay đã tìm thấy nhưng cố gắng che giấu để hoà nhập với mọi người, hoặc đã quên mất nó theo quá trình trưởng thành,... Không sao hết, hãy cho mình thời gian, để có thể lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt của bản thân, để có thể xuôi theo dòng chảy kì diệu mà bạn được trao tặng khi đến với cuộc đời này.

Bởi, thế giới này cần sự khác biệt của bạn.

 
 
Previous
Previous

SINGLE’S INFERNO: ĐỊA NGỤC ĐỘC THÂN & NỮ QUYỀN

Next
Next

I Am Enough