HÃY CỨ CÃI NHAU ĐI, ĐỪNG SỢ

 

Nghe tiêu đề có vẻ hơi kì cục nhỉ. Ông bà ta có câu: “một điều nhịn, chín điều lành”, hoặc: “dĩ hoà vi quý”. Thế mà cớ sao hôm nay cô Thanh - mang danh 1 nhà giáo, 1 nhà khai vấn mà lại đi chủ trương CÃI NHAU? Ấy là bởi trong một vài thời điểm nhất định của MỐI QUAN HỆ, việc CÃI NHAU là cần thiết.


Khi làm khai vấn về chủ đề MỐI QUAN HỆ tình cảm, mình nhận thấy hầu hết các cô gái, chàng trai đến với mình đều ngại ngần việc phải nói chuyện nghiêm túc và lột trần vấn đề. Họ có xu hướng né tránh với niềm tin rằng chuyện không nhất nhiết phải làm to, và rằng mình không cần nói thì người kia cũng hiểu. Nhưng sự thật chứng minh, người kia lại chẳng thể tự đoán ý mình. Nếu có thì chắc họ đã có siêu năng lực đọc suy nghĩ.


Cách đây gần 2 năm khi chồng mình và mình chưa cưới nhau, mình cũng đã từng rất sợ phải cãi vã. Khi không vừa ý chuyện gì, mình chọn giữ trong lòng. Kết quả là sự việc cứ lặp đi lặp lại; cho đến khi “giọt nước tràn li” thì dù chỉ là một chuyện rất nhỏ cũng khiến cho hai chúng mình cãi nhau to được. Và sau những cuộc cãi nhau đó là những tổn thương dài. Đúng vậy, né tránh không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ khiến sự việc lặp lại và làm chúng ta ngày một trở nên nhạy cảm và mệt mỏi hơn với sự việc ấy.

Gốc rễ của sự xa cách, bất hoà và chia li của rất nhiều mối quan hệ đó là sự thiếu GIAO TIẾP CHÂN THÀNH. Thật kì lạ khi loài người là loài động vật duy nhất có ngôn ngữ phong phú và hiệu quả, nhưng lại gặp khó khăn đến vậy trong việc giao tiếp và sẻ chia với đối tác của mình. Sau này, khi được tiếp xúc với đa dạng câu chuyện của các khách hàng về MỐI QUAN HỆ, mình tổng kết lại được những TRỞ NGẠI trong việc nói ra SUY NGHĨ, CẢM XÚC và NHU CẦU của các cặp đôi:


- SỢ MẤT. Nghĩa là không dám nói ra cảm nhận và nhu cầu của bản thân vì sợ người kia sẽ đánh giá, không yêu thương và bỏ rơi mình.

- CÁI TÔI CAO. Nghĩa là tự cảm thấy mình yếu thế khi mình nói ra

- VĂN HOÁ. Người Việt Nam đa phần được nuôi dạy trong môi trường không bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên. Chúng ta rất ngại nói lời yêu, xin lỗi và cảm ơn.

- TỔN THƯƠNG TRONG TUỔI THƠ. Một người có thể đã gặp những trải nghiệm không tốt về tranh cãi dẫn đến bài trừ các cuộc giao tiếp có vẻ sẽ dẫn tới cãi vã
Những trở ngại trên đem đến hệ quả các cặp đôi không hiểu nhau, dễ thất vọng vì nhu cầu không được đáp ứng, mang tâm thế trách cứ uất hận và ngày một xa cách. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, trở thành một vòng lặp không dứt và đẩy những cuộc cãi vã lên đỉnh điểm.

Vậy nên, đôi khi việc đối mặt để giao tiếp chân thành, bóc trần vấn đề và “cãi vã” lại là một lựa chọn hiệu quả để chúng ta có thể giải quyết dứt điểm những điều chưa hài lòng nơi nhau và kết thúc vòng lặp luẩn quẩn này.

NHƯNG CÃI NHAU LÀM SAO CHO NÓ HIỆU QUẢ VÀ ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI? Thanh không khuyến khích việc to tiếng để thể hiện cái tôi, trách cứ làm tổn thương nhau để hả hê và từ chối lắng nghe đối phương. Không. Việc này sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu cả.

Điều đầu tiên bạn nên làm mỗi khi cảm thấy không thoải mái, không hài lòng, tức giận hoặc tổn thương trong mối quan hệ đó là ngồi lại thật bình tĩnh, hít thở và quan sát cảm xúc của bản thân. Bạn có thể thiền hoặc viết buông xả những cảm xúc ra một tờ giấy. Sau khi đã bình tĩnh hơn và nhận diện được cảm xúc, nhu cầu của bản thân, bạn có thể bắt đầu giao tiếp với đối tác của mình. Thanh xin giới thiệu tới mọi người công thức BỐN BƯỚC GIAO TIẾP phi bạo lực, mà Thanh gọi là GIAO TIẾP CHẠM.

Bước 1: Nêu vấn đề


- Khi anh/em thấy [sự việc / vấn đề]


Ví dụ: Khi em thấy anh so sánh em với người khác


Lưu ý: bước này cần nêu lên sự việc 1 cách khách quan thay vì những suy đoán trách cứ (Ví dụ: Sao anh suốt ngày không hài lòng với tôi rồi so sánh tôi này nọ thế)


Bước 2: Gọi tên cảm xúc


- Anh / em cảm thấy…


Ví dụ: Em cảm thấy khó chịu và tủi thân


Lưu ý:
* cần phân biệt cảm xúc với suy nghĩ (thường mang tính suy diễn và khó tiếp nhận: anh không tôn trọng em / anh là đồ tồi…)
* Cảm xúc gắn liền với bộ phận cơ thể là dễ hiểu và dễ tiếp nhận nhất (em thấy nhói lòng / em thấy tức ngực…)

Bước 3: Nêu ra nhu cầu


- Bởi vì anh / em cần…


Ví dụ: bởi vì em cần được trân trọng và khen ngợi bởi người em yêu thương.


Bước này quan trọng vì đằng sau mỗi cảm xúc không dễ chịu là một nhu cầu không được đáp ứng. Khi mình nói ra được nhu cầu thì đối tác của mình sẽ hiểu vì sao mình lại có phản ứng như vậy (thay vì cảm thấy mình vô lí, sai lè…) Và 1 khi đối tác hiểu được nhu cầu của bạn, họ sẽ biết phải làm gì.

Bước 4: Đề xuất hành động


- Nên anh/em có sẵn lòng / có thể…


Ví dụ: Nên anh có thể tích cực khen ngợi em hơn và đừng so sánh mặt thua kém của em với người khác không?


Bước này cũng quan trọng vì nó giúp đối tác của mình bớt hoang mang trong hành động. Nếu chỉ đưa ra nhu cầu mà không gợi ý phương án thì cũng giống kiểu các bạn nữ muốn người yêu cho đi ăn nhưng không nói cho người ta biết mình thích ăn quán nào vậy Và lưu ý là cần tạo một tâm thế thoải mái cho đối tác thay vì khăng khăng bắt họ làm trong sự hậm hực.

Vậy là xong rồi. Mình tin chắc là chả có anh chàng cô gái nào còn có thể “gân” lên hoặc “phớt lờ” khi nghe những lời rất dễ chịu này đâu 4 bước này mình đọc được từ một bài post của chị Trang Iris và áp dụng với tần suất hiệu quả 100% mọi người ạ. Ai thấy khó nói quá có thể chọn cách nhắn tin và viết thư nha.

TỔNG KẾT:


Giao tiếp có sức mạng vô tận. Ngôn từ có thể dấy lên chiến tranh (Hitler), ngôn từ cũng có thể chữa lành (nhà trị liệu)… Vậy nên hãy biết sử dụng ngôn từ của mình đúng cách để trao đi yêu thương nhé. Một khi đã biết giao tiếp đúng cách thì chúng ta đâu còn phải sợ cãi vã nữa phải không? Thay vào đó, sau mỗi cuộc “cãi vã”, ta lại thêm hiểu mình, hiểu người và bao dung yêu thương hơn
Vậy nên, hãy cứ cãi nhau đi, đừng sợ.

 
 
Previous
Previous

LÀM MỚI MỐI QUAN HỆ